Thời gian tới, địa phương sẽ tích cực đẩy mạnh các dự án nhằm thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó có dự án sân vận động quy mô 30.000 chỗ ngồi và hơn 30 trung tâm thương mại.

Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn; dịch vụ logistics; du lịch; giáo dục đào tạo; y tế chuyên sâu; văn hóa và thể thao; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Ảnh: Internet

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Ảnh: Internet
Bên cạnh những mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển đô thị, tỉnh cũng tập trung phát triển du lịch và văn hóa, tạo sự phát triển toàn diện cho địa phương. Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ phát triển 13 sân golf gắn với phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái cao cấp, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Tỉnh sẽ tập trung phát triển du lịch trên ba loại hình du lịch chính là du lịch biển; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Về phát triển văn hóa, thể thao, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh hoàn thành dự án Trung tâm đào tạo bóng đá Thanh Hóa; xây dựng Sân vận động trung tâm 30.000 chỗ ngồi; xây dựng một số công trình thuộc Khu Liên hợp thể dục thể thao tỉnh và 3 Trung tâm thể dục thể thao vùng huyện…

Giai đoạn 2026 – 2030, Thanh Hoá hoàn thành sân vận động trung tâm 30.000 chỗ ngồi; xây dựng Trung tâm đào tạo vận động viên Thanh Hóa (quy mô Bắc Miền Trung)…

Sân vận động hiện tại của tỉnh Thanh Hóa chỉ có sức chứa 14.000 người. Ảnh: Internet

Sân vận động hiện tại của tỉnh Thanh Hóa chỉ có sức chứa 14.000 người. Ảnh: Internet
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu phương án phát triển hệ thống chợ và trung tâm thương mại. Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh có 42 chợ và ít nhất 15 trung tâm thương mại. Đến năm 2030, tỉnh có 486 chợ và 36 trung tâm thương mại, trong đó TP. Thanh Hóa có 10 dự án, TP. Sầm Sơn có 4 dự án, thị xã Bỉm Sơn có 2 dự án, huyện Thọ Xuân có 2 dự án, huyện Nông Cống có 1 dự án, huyện Triệu Sơn có 2 dự án, huyện Quảng Xương có 2 dự án, huyện Nga Sơn có 1 dự án, huyện Yên Định có 1 dự án, huyện Thiệu Hóa có 1 dự án, huyện Hậu Lộc có 1 dự án, huyện Cẩm Thủy có 1 dự án, huyện Ngọc Lặc có 1 dự án, huyện Như Thanh có 1 dự án, huyện Thường Xuân có 1 dự án, huyện Hoằng Hóa có 2 dự án và thị xã Nghi Sơn có 3 dự án.

Nhiều chợ mới sẽ được phát triển trong thời kỳ quy hoạch như: Chợ Ngọc Trạo, chợ Quảng Cát, chợ Đông Tân tại TP. Thanh Hoá; chợ Quảng Minh, chợ Sông Đơ tại TP. Sầm Sơn; chợ Quảng Trung tại thị xã Bỉm Sơn.

Thanh Hoá là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ với diện tích tự nhiên hơn 11.000km2. Theo thống kê năm 2022, tỉnh này có dân số 3,72 triệu người, là tỉnh đông dân nhất Việt Nam, chỉ sau hai thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và TP. HCM. Đây cũng là tỉnh có nhiều huyện nhất (24 huyện) và nhiều thị trấn nhất (31 thị trấn).