Bóng chuyền nữ Việt Nam liên tục lập nhiều thành tích đặc biệt trong 2 năm qua nhưng người hâm mộ cả nước rất buồn vì một sự thật trớ trêu.

Đội bóng chuyền nữ quốc gia giành nhiều thành tích lịch sử nhưng vẫn không có nhà tài trợ

Các cụ ta vẫn bảo “có thực mới vực được đạo” hay “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Thể thao nói chung hay bóng chuyền nói riêng đều không thể đi ngược lại quy luật của cuộc sống.

VĐV cũng là con người. Muốn thi đấu tốt, họ cần được đầu tư, chăm sóc đến nơi đến chốn. Nhưng điều khó tin và đáng buồn là đội bóng chuyền nữ quốc gia đã góp phần không nhỏ làm rạng danh cho nền thể thao Việt Nam 2 năm qua nhưng đến thời điểm này họ vẫn không có nhà tài trợ.

Tất cả những khoản tiền thưởng mà tập thể đội bóng nhận được nếu không phải là là từ ban tổ chức giải đấu thì cũng chỉ là những số tiền thưởng tức thời và rất “khiêm tốn” từ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) hay từ số ít nhà tài trợ.

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam  hiện vẫn chưa có nhà tài trợ

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hiện vẫn chưa có nhà tài trợ

Ấy vậy mà các cô gái của chúng ta chỉ trong vòng 2 năm đã làm được nhiều điều không tưởng, đã lập những thành tích mà những thế hệ đi trước họ không làm được trong nhiều thập kỷ.

Chúng ta đã vô địch bóng chuyền nữ Châu Á cấp CLB năm 2023, đã vô địch một giải đấu cấp độ ĐTQG ở bình diện Châu lục 2 lần (AVC Challenge Cup 2023 và 2024), đã 3 lần tham dự một giải đấu tầm thế giới gồm 1 lần ở cấp CLB (giải vô địch thế giới các CLB 2023) và 2 lần cấp ĐTQG (FIVB Challenger Cup 2023 và 2024), đã vào top 4 giải vô địch bóng chuyền nữ Châu Á (2023), đã vào top 4 bóng chuyền nữ ở ASIAD (2023), đã buộc tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan phải đánh tới 5 set…

Tất cả đều là những cột mốc lịch sử mà lần đầu tiên bóng chuyền Việt Nam làm được và chúng ta đạt tất cả những thành tích lịch sử ấy chỉ trong khoảng 2 năm. Không có môn nào khác mà Việt Nam có một đội thể thao đạt được nhiều thành tích cao như đội bóng chuyền nữ quốc gia.

Ấy vậy mà đến giờ họ vẫn không có nhà tài trợ chính thức. Trước và sau mỗi giải đấu, thầy trò HLV Tuấn Kiệt vẫn chủ yếu là “tập chay”. Tiền thưởng cho các VĐV thì bèo bọt, chương trình tập huấn thì vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Vậy mà họ vẫn đạt một loạt thành tích như trên thì quả là phi thường. Theo xếp hạng mới nhất của Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB), tuyển nữ Việt Nam đang đứng thứ 32, vị trí gần đủ điều kiện tham dự giải vô địch thế giới 2025.

Người hâm mộ bóng chuyền cả nước không hiểu vì sao đội bóng chuyền nữ Việt Nam có thể xếp hạng cao đến vậy khi họ không có nhà tài trợ. Câu chuyện buồn và càng nói lại càng buồn vì có vẻ như bóng chuyền Việt Nam vẫn còn tiếp tục bị các nhà tài trợ bỏ rơi.

Chúng ta hay lấy tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan làm hình mẫu tham chiếu và mỗi khi tuyển Việt Nam thua Thái Lan thì họ lại bị phê phán, chê trách nhiều. Nhưng ở Thái Lan, bóng chuyền là môn thể thao “quốc dân” và tuyển nữ Thái Lan có hàng chục nhà tài trợ lớn nhỏ. Biết đến bao giờ chúng ta mới không phải thốt lên câu “chỉ biết ước” khi nghĩ về thực trạng trớ trêu của đội bóng chuyền nữ Việt Nam?