×

Bà Phương Hằng ngỡ ngàng trước “sao kê” của thầy TMT?

Tôi không biết gọi Thích Minh Tuệ (tên thật Lê Anh Tú, sinh năm 1981, quê gốc Hà Tĩnh) là gì. Nhưng ngài lại không cần một danh xưng. Vậy nên gọi ngài là gì không quan trọng.

35aeecf4-175d-42a6-9da5-cdcaa8852da4.jpeg“Gặp gỡ thì đã gặp rồi, mọi người nên về với công việc của mình”. Ảnh: Internet
Ngài tự xưng là “con” trước mọi người. Vậy tôi cứ gọi suông là Thích Minh Tuệ.

Những ngày qua, cái tên Thích Minh Tuệ gây “bão” trên mạng xã hội và báo chí với đôi chân trần, đầu trần đi khất thực dọc chiều dài đất nước lần thứ tư, với hàng đoàn người đi theo, với vô số clip trên internet, với những câu nói giản dị: “Gặp gỡ thì đã gặp rồi, mọi người nên về với công việc của mình”; “Con đi tới đây đang tập học, chưa có gì”; “Con đâu có nhận tiền, con chỉ nhận thức ăn chay vào buổi sớm đi khất thực thôi. Ngày hôm nay ăn rồi là cũng không nhận nữa”…

Vì sao một người hành xử theo phong thái của một bậc chân tu lại có sức hút lớn đến như vậy?

Trước hết thuộc về tự do. Theo hay không theo một tôn giáo là quyền tự do của mỗi người dân Việt Nam – điều này được Hiến pháp nước ta quy định tại điều 24. Hành động của Thích Minh Tuệ thể hiện quyền tự do đó. Ông tu hành theo pháp “hạnh đầu đà”, mặc áo vá đi khất thực, không nhận tiền cúng dường, tối ngủ tạm đâu đó… Ông tự nguyện khổ hạnh về ăn, mặc, ở để được giải thoát theo quan niệm nhà Phật.

Xem ra nhiều người chưa quen với tự do nên mới thấy lạ!

Hiếu kỳ cũng là một đặc tính con người. Chính vì hiếu kỳ nên dễ xảy ra hội chứng đám đông. Một người hiếu kỳ, kích hoạt sự hiếu kỳ của người ở bên cạnh và cứ như thế thành hội chứng, trào lưu. Hiếu kỳ có mặt tích cực nếu biết khai thác tốt sẽ trở thành sự ham hiểu biết, thậm chí có thể phát động phong trào thi đua. Nhưng đặc tính này cũng dễ bị lợi dụng, có thể biến thái. Hiện tượng Thích Minh Tuệ đã bị đẩy lên thái quá.

Nhưng câu chuyện lớn hơn thuộc về nhà chùa. Lâu rồi người ta mới thấy hình ảnh một vị chân tu (mặc dù Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo như văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam) – hình ảnh họ đã khao khát từ lâu.

Người ta có quyền đặt Thích Minh Tuệ bên cạnh những tu sĩ đã gây ra bao tai tiếng để so sánh, để luận bàn. Những người như ông Thích Chân Quang ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuyết giảng tuyên truyền nhảm nhí “tuổi trẻ hay đi du lịch về già bị liệt”; “hát karaoke sau này chết thành ma câm”; “nằm võng mất phước”. Vị tu sĩ này thường xuyên nhắc đến việc cúng dường, khích lệ phật tử quyên góp tiền cho nhà chùa. Rồi những câu chuyện bại hoại ở Vĩnh Phúc khi cửa Phật trở thành chốn tà dâm như báo chí đã nêu. Hay hình ảnh tu sĩ Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) với chiếc giỏ trên tay đi thu tiền của phật tử. Vị đại đức này cũng nhiều lần vi phạm quy định của giáo hội và phải sám hối nhưng dư luận chưa đồng tình với mức xử lý…

Tức là ở đây có vấn đề về niềm tin vào giới tu hành. Bên cạnh những vị chân tu thì vẫn còn đó những người mượn danh tu sĩ để làm điều trái với giáo lý nhà Phật.

Hiện tượng Thích Minh Tuệ cho ta niềm tin về một con người tự nguyện tu tập, về một con người tự do theo hay không theo tôn giáo, “Con chả phải là sư hay thầy gì cả. Con là một công dân Việt Nam học tập theo lời Phật dạy thôi”. Dân chúng đang khao khát một hình ảnh nhà sư đời thường như thế. Hay họ liên tưởng đến triết lý tu tại gia của Phật hoàng Trần Nhân Tông từ hơn 700 năm trước?

Nếu bỏ qua những việc lợi dụng hiện tượng Thích Minh Tuệ để câu view, câu like, để nổi tiếng, để kiếm tiền, làm quá lên hay để chống phá chính sách tôn giáo của Nhà nước ta thì hình ảnh một người tự tu theo đạo Phật cho ta thêm niềm cảm hứng mới. Đó là cảm hứng về tự do, cảm hứng về vượt qua cám dỗ vật chất, cảm hứng về tâm hồn vô tư trong sáng, cảm hứng về nghị lực…

Một người không phải tu sĩ nhưng vẫn được gọi là “sư”, là “thầy” – thầy Thích Minh Tuệ. Tôi không hiểu về Phật giáo nhưng tôi mong hãy để cho thầy được yên tĩnh tu tập theo cách mà thầy muốn, trong giới hạn quy định của luật pháp và đạo đức.

Hiện tượng Thích Minh Tuệ cũng nói lên thiện cảm rất lớn, một niềm tin với Phật giáo, với những nhà tu hành chân chính không “tham, sân, si” trong những ngày đang diễn ra lễ Phật đản này.

Related Posts

Our Privacy policy

https://nendoctin.com - © 2025 News