×

Vé số trúng giải đặc biệt 2 tỉ đồng không được trả thưởng

Vé số trúng giải đặc biệt 2 tỉ đồng nhưng không được công ty xổ số trả thưởng vì bị rách xước “tí tẹo” dưới dãy số chính.

Báo Người Lao Động ngày 27/11 đưa thông tin với tiêu đề: “Vé số trúng giải đặc biệt 2 tỉ đồng không được trả thưởng” cùng nội dung như sau: 

Ngày 27-11, bà Nguyễn Thị Ng. (SN 1971; ngụ xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết đã gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế để yêu cầu Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết tỉnh Thừa Thiên – Huế (gọi tắt là Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên – Huế) trả thưởng giải đặc biệt trị giá 2 tỉ đồng.

Vào ngày 14-10, bà Ng. có mua 2 tờ xổ số truyền thống của Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên – Huế phát hành mang ký hiệu H83-24 (10.000 đồng/vé), gồm một tờ mang số dự thưởng 386552 (F), tờ vé còn lại mang số 486552 (F). Trong kì quay mở thưởng cùng ngày, tờ vé số 386552 (F) trúng giải đặc biệt 2 tỉ đồng, tờ còn lại trúng giải phụ đặc biệt trị giá 50.000 triệu đồng.
Mặt trước của tờ vé số trúng giải đặc biệt rách xước phần dưới dãy số chính nhưng vẫn rõ nhận dạng. Mặt khác tờ vé số này vẫn còn dãy số phụ, vẫn rõ nhận diện nhưng không được trả thưởng. Ảnh: nhân vật cung cấp


“Tôi kẹp 2 tờ vé số này trong một tờ tiền polymer và do sơ suất nên gặp mưa ướt, chúng dính lại với nhau. Tôi đã sấy khô cả 2 tờ vé số, trong đó tờ vé trúng giải phụ bị co rúm, rách và nhăn nheo hơn nhưng được nhận thưởng. Còn tờ vé số 386552 (F) trúng giải đặc biệt dù chỉ bị rách tí tẹo ở bên phải dưới dãy số chính, nhưng vẫn nguyên hình, rõ chữ và số nhưng không được trả thưởng” – bà Ng. nói.

Trong thời hạn trả thưởng, bà Ng. ra Huế làm việc với Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên – Huế và đã chuyển 12 triệu đồng cho người của công ty xổ số, sau đó cùng họ sang Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế để tiến hành giám định tờ vé số này nhằm có căn cứ xem xét, giải quyết khiếu nại.
Mặt sau tờ vé số trúng giải đặc biệt nhưng không được trả thưởng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ngày 13-11, bà Ng. tiếp tục ra làm việc với Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên – Huế, yêu cầu công ty này cung cấp kết luận giám định của cơ quan công an về tờ vé số trúng giải đặc biệt và trả lời thấu đáo vì trao không trả thưởng.

Ngày 14-11, Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên – Huế có bản trả lời gửi bà Ng. nhưng không hề đề cập đến kết luận giám định. Đồng thời, khẳng định chỉ đồng ý trả thưởng cho tờ vé số trúng giải phụ đặc biệt vì bị rách nhưng vẫn xác định được hình dạng ban đầu.

Riêng tờ vé mang số dự thưởng 386552(F) không được trả thưởng do đã bị co lại, biến dạng một phần và rách rời góc bên phải dưới dãy số, mất chân chữ số hàng đơn vị (phần rách rời đã không còn), không đủ căn cứ để xác định hình dạng ban đầu, vị trí rách rời ảnh hưởng đến các yếu tố để xác định trúng thưởng.

Việc đưa ra kết luận trên được Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên – Huế trả lời là áp dụng Thông tư số 75/2013/TT-BTC ngày 4-6-2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số số, quy định: “Điều kiện vé xổ số lĩnh thưởng phải còn nguyên hình, nguyên khổ, không rách rời, không chắp vá, không tẩy xóa, không sửa chữa và còn trong thời hạn lĩnh thưởng theo quy định. Trường hợp do các nguyên nhân khách quan, vé xổ số trúng thưởng bị rách rời nhưng vẫn còn đủ căn cứ để xác định hình dạng ban đầu…”.

Bà Ng. bức xúc cho biết theo thông tư số 75/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì trường hợp do các nguyên nhân khách quan, vé số bị rách rời vẫn còn đủ căn cứ xác định hình dạng ban đầu, tính xác thực của tờ vé số không thuộc đối tượng nghi vấn, gian lận. Vị trí rách rời không ảnh hưởng đến các yếu tố xác định trúng thưởng thì công ty xổ số kiến thiết tổ chức thẩm tra, xác nhận và quyết định trả thưởng. Mặt khác trong tờ vé số trúng giải đặc biệt của tôi còn có dãy số phụ với cỡ chữ nhỏ hơn, nó còn nguyên vẹn nhưng vì sao công ty không căn cứ vào đó để trả thưởng?. Dãy số này in lên tờ vé số chẳng lẽ không có giá trị?

“Tôi là người chi trả tiền để nhờ công an giám định tờ vé số nhưng tại sao không được Công ty XSKT Thừa Thiên – Huế cung cấp kết quả giám định để có căn cứ xem xét giải quyết kiến nghị của tôi thì đó là điều vô lý” – bà Ng. thắc mắc.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với Công ty XSKT Thừa Thiên – Huế để hỏi rõ về lý do này nhưng chưa được phản hồi.

Trước đó, báo Tuổi trẻ ngày 28/09 cũng có bài đăng với thông tin: “Đưa nhau ra tòa vì tờ vé số trúng độc đắc 2 tỉ đồng”. Nội dung được báo đưa như sau:

Trúng giải độc đắc, ông chủ lấy lại tờ vé số

Rắc rối bắt đầu xảy ra từ đây khi ông chủ xưởng gỗ lấy lại tờ vé số và đi lãnh giải nhưng sau đó không chia cho các công nhân như đã hứa. Thế là cả chủ và thợ phải đưa nhau ra tòa.

Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Long Hồ, vào đầu giờ chiều 7-1-2021 tại nhà xưởng sản xuất gỗ của mình, ông Trần Thanh Th. có mua năm tờ vé số Công ty xổ số kiến thiết tỉnh An Giang từ người bán vé số dạo tên Hồ Thị Bích Thủy.

Mua xong, ông Th. kêu bà Nguyễn Thị Thu Diễm là công nhân đang làm việc tại xưởng cho một tờ (có dãy số 317626) và dặn: “Chiều nay tờ vé số này mà trúng thì chia hết cho các công nhân đang làm ngày hôm nay”.

Theo hồ sơ, ngày 7-1-2021, có tổng cộng 19 công nhân làm việc tại xưởng.

Ngay tại thời điểm ông Th. cho tờ vé số thì có nhiều người chứng kiến.

Khoảng 16h45 cùng ngày, bà Diễm nhờ ông Xuân (thợ hàn) dò giùm tờ vé số. Ông Xuân dò đài An Giang thấy trúng giải đặc biệt nên reo lên: “Trúng đặc biệt rồi dì Diễm ơi”. Mọi người so lại thì thấy tờ vé số và lô đặc biệt có dãy số 317626 trùng nhau.

Bà Diễm và các công nhân vui mừng chạy qua cho ông Trần Thanh Th. hay tin tờ vé số ông cho hồi trưa đã trúng giải đặc biệt. Lúc bà Diễm chạy qua nhà ông Th. còn có ông Xuân và bà Loan cũng chạy theo.

Khi bà Diễm còn đang cầm tờ vé số trên tay thì ông Th. giật lấy và kêu ông Xuân đưa điện thoại để dò lại. Dò xong, ông Th. cầm tờ vé số trúng bỏ vào túi áo bên trái.

Ông Th. dặn bà Diễm, ông Xuân, bà Loan đừng la om sòm để ông đi lãnh giải giùm rồi đến chiều 28 Tết xưởng nghỉ làm ông sẽ chia cho công nhân trong xưởng. Lý do ông Th. sợ lãnh về chia ngay thì các công nhân sẽ nghỉ làm.

Do ông Th. là chủ nên bà Diễm, ông Xuân, bà Loan tin tưởng. Đến ngày 28 Tết nghỉ làm nhưng ông Th. không chia tiền cho các công nhân như đã hứa, mà chỉ đưa cho mỗi người một số tiền khác nhau (từ 5 – 20 triệu), tổng cộng là 183 triệu đồng. Do đó, các công nhân khởi kiện ông Th. ra tòa, yêu cầu phải trả lại toàn bộ số tiền trúng thưởng kèm lãi suất.

Tòa chỉ chia cho công nhân một nửa?

Ngày 15-8-2022, TAND huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đã xét xử công khai vụ án và xác định ông Th. đã lấy tờ vé số trúng thưởng đến đổi tại một đại lý vé số ở Vĩnh Long và được thực nhận về số tiền 1,8 tỉ đồng (sau khi trừ đi 200 triệu tiền thuế thu nhập cá nhân).

Tại phiên tòa, các nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, còn ông Th. thì cho rằng tờ vé số ông mua và chỉ nhờ bà Diễm dò hộ chứ không nói tặng cho ai.

Tại phiên tòa, ông Trần Thanh Th. trình bày rằng ngày 8-1-2021 đã đổi vé số trúng thưởng tại Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh An Giang, nhưng khi tòa thu thập chứng cứ thì Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang khẳng định kỳ vé mở thưởng ngày 7-1-2021, giải đặc biệt mang số 317626 khách hàng lĩnh thưởng giải này không có người tên Trần Thanh Th..

Trong khi tại phiên tòa sơ thẩm (mở trước đó vào ngày 21-1-2022), người đại diện theo ủy quyền của ông Th. lại trình bày ông Th. đổi tờ vé số trúng thưởng tại một đại lý ở Vĩnh Long vào ngày 8-1-2021.

Ngoài ra, việc ông Th. tự ý thay thế, di dời camera sau khi trúng thưởng vé số là chưa trung thực.

Căn cứ các lời khai tại tòa và chứng cứ thu thập được, hội đồng xét xử kết luận: “Có cơ sở xác định việc ông Th. có cho bà Diễm một tờ vé An Giang mở thưởng ngày 7-1-2021 mang số 317626, và hứa nếu trúng thưởng sẽ chia cho các công nhân có mặt và làm việc tại xưởng là có xảy ra trên thực tế”.

Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm xác định nguồn gốc số tiền để mua tờ vé số (trị giá 10.000 đồng) là tiền chung của vợ chồng ông Th., nên ông Th. chỉ có quyền định đoạt đối với 50% giá trị tài sản, còn lại 50% thuộc về vợ ông Th..

Do đó, tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và tuyên buộc ông Th. phải trả cho mỗi người công nhân đi làm hôm đó số tiền là hơn 42 triệu đồng. Tòa không chấp nhận việc buộc ông Th. phải trả tiền lãi cho mỗi người hơn 12 triệu đồng.

Trước khi trúng giải, giá trị tờ vé số chỉ 10.000 đồng

Sau phiên xử sơ thẩm, Viện KSND huyện Long Hồ đã có quyết định kháng nghị bản án theo hướng sửa bản án sơ thẩm vì cho rằng có nhiều vi phạm trong việc đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án, áp dụng điều luật không đúng dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, Viện kiểm sát cho rằng việc bản án sơ thẩm nhận định số tiền mua vé số là có nguồn gốc tiền chung của vợ chồng, do đó ông Th. chỉ có quyền định đoạt với 50% giá trị trúng thưởng của tờ vé số là không đúng với quy định của pháp luật.

Bởi điều 35 Luật hôn nhân và gia đình quy định: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận; Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp tài sản đó là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”.

Trong vụ án này, tờ vé số mua 10.000 đồng là tài sản có giá trị rất nhỏ. Lúc ông Th. cho các công nhân tờ vé số chưa trúng giải, giá trị của nó vẫn chỉ là 10.000 đồng. Vì vậy, nó không thuộc các trường hợp quy định tại điều luật trên nên không cần sự đồng ý của vợ ông Th. mới có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, điều 458 Bộ luật dân sự quy định: “Hợp đồng tặng, cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng, cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”. Do đó, hợp đồng tặng, cho tài sản là tờ vé số giữa ông Th. và các nguyên đơn đã có hiệu lực pháp luật ngay tại thời điểm trưa 7-1-2021, khi nó có giá trị 10.000 đồng.

Do đó, Viện KSND Long Hồ đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc ông Th. phải trả hết số tiền 1,8 tỉ đồng cho 19 người là công nhân làm thuê tại xưởng.

Cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo

Ngay sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, ngoài việc Viện KSND huyện Long Hồ kháng nghị thì toàn bộ các nguyên đơn đều kháng cáo toàn bộ bản án. Phía bị đơn là ông Th. cũng kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.

Related Posts

Our Privacy policy

https://nendoctin.com - © 2024 News