Người dân 80 phường sáp nhập ở TPHCM không phải đổi giấy tờ ngay, việc điều chỉnh chỉ khi cần và hoàn toàn miễn phí.
TPHCM sáp nhập 80 phường thành 41 phường. Ảnh: Minh Quân
Sáp nhập 80 phường thành 41 phường
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã khẳng định điều này tại hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, tổ chức chiều 26.11.
Theo Nghị quyết 1278 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TPHCM sẽ sắp xếp lại 80 phường (tại các Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận) giảm còn 41 phường.
Trong đó, 38 phường mới được hình thành từ việc sáp nhập, 3 phường điều chỉnh địa giới hành chính do chuyển một phần diện tích và dân số vào phường khác.
Dự kiến, việc sáp nhập sẽ được công bố đồng loạt từ ngày 28.12 đến 31.12.2024 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Sau đợt sáp nhập này, TPHCM sẽ giảm từ 249 xuống còn 210 phường.
Việc thay đổi địa giới hành chính và tên gọi của nhiều phường sẽ dẫn đến nhu cầu điều chỉnh các giấy tờ cá nhân và doanh nghiệp như căn cước công dân, giấy tờ nhà đất, tài khoản ngân hàng, địa chỉ trên bao bì sản phẩm, danh thiếp…
Ước tính có khoảng 800.000 người dân phải điều chỉnh giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính và tên phường (3 phường Rạch Ông, Hưng Phú và Xóm Củi thuộc Quận 8).
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Ảnh: Minh Quân
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, người dân không cần phải đổi giấy tờ ngay lập tức sau ngày 1.1.2025. Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thừa nhận giá trị pháp lý của giấy tờ cũ, chỉ thực hiện thay đổi khi phát sinh sự kiện pháp lý.
Ông Hoan cũng đề nghị ngành công an cập nhật địa chỉ mới trong cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để làm cơ sở cho các ngành khác sử dụng.
“Khi người dân cần điều chỉnh, việc này phải được thực hiện miễn phí, không thu bất kỳ khoản phí nào” – ông Hoan nói.
Giải quyết nhân sự và trụ sở dôi dư
Việc sáp nhập sẽ dẫn đến dôi dư 1.022 cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã. TPHCM cam kết sắp xếp số lượng này theo lộ trình đến năm 2029. Những cán bộ dôi dư sẽ được ưu tiên bố trí tại địa phương hoặc chuyển lên cấp quận, thành phố nếu đủ điều kiện.
Trường hợp phải tinh giản, thành phố áp dụng các chính sách hỗ trợ theo quy định Trung ương và bổ sung chính sách riêng dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối năm của HĐND TPHCM.
Về trụ sở làm việc, trong tổng số 327 trụ sở hiện có tại 80 phường trước sáp nhập, dự kiến 249 trụ sở tiếp tục được sử dụng.
Ông Võ Văn Hoan khẳng định, các trường học sẽ không bị sáp nhập, đảm bảo phục vụ học sinh như trước. Trong khi đó, trạm y tế tại các phường sáp nhập sẽ nhập lại thành một đơn vị nhưng vẫn duy trì hoạt động ở các cơ sở cũ để phục vụ người dân.
Về trụ sở đảng ủy và UBND phường, ông Hoan gợi ý có thể bố trí cơ quan hành chính và hoạt động đảng, đoàn thể ở các địa điểm riêng biệt để tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất. Các trụ sở dôi dư có thể được sửa chữa để làm nơi sinh hoạt khu phố, tránh bỏ trống, lãng phí.
“Cơ sở vật chất phải được quản lý, sử dụng hiệu quả. Mỗi trụ sở dôi dư cần được tận dụng tối đa, không để bỏ hoang” – ông Hoan nhấn mạnh.