Thành phố cho kéo dài thời gian thí điểm buýt điện hoạt động ở địa bàn nhưng không chấp thuận tăng trợ giá loại hình này như đề xuất của Sở Giao thông Vận tải.

Trong công văn gửi Sở Giao thông Vận tải ngày 2/8, lãnh đạo thành phố cho phép điều chỉnh thời gian thí điểm hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tới hết quý 1/2025, thêm một năm so với kế hoạch.

Riêng việc trợ giá cho loại hình này, thành phố yêu cầu giữ theo mức cũ, với tỷ lệ 44,1% trên tổng chi phí hoạt động.

TP HCM bắt đầu thí điểm hoạt động 5 tuyến xe buýt điện từ tháng 3/2022, đến nay mới có một tuyến đưa vào khai thác là D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn). Trên tuyến này có 11 xe, sức chứa 67 chỗ (đứng, ngồi), giá vé 7.000 mỗi lượt đối với hành khách phổ thông; 3.000 đồng/lượt đối với học sinh, sinh viên; tập 30 vé là 157.000 đồng.

Buýt điện D4 chạy ở trung tâm TP HCM, đầu năm 2024. Ảnh: Gia Minh

Buýt điện D4 chạy ở trung tâm TP HCM, đầu năm 2024. Ảnh: Gia Minh

Sở Giao thông Vận tải cho biết khi đưa vào hoạt động, khách đi buýt D4 liên tục tăng, từ mức bình quân 14 người mỗi chuyến nay đã vượt hơn gấp đôi. Khách đi buýt nhiều giúp doanh thu bán vé cũng tăng, nhưng thấp hơn chi phí hoạt động.

Hiện, buýt D4 được TP HCM trợ giá với tỷ lệ 44,1% trên tổng chi phí hoạt động. Theo tỷ lệ trên, mỗi chuyến xe được trợ giá 309.800 đồng, trong khi chi phí vận hành 702.496 đồng. Để bù phần chênh lệch này, doanh thu mỗi chuyến cần đạt 392.696 đồng, tương ứng chở 71 khách. Trong khi thống kê năm 2023 bình quân mỗi chuyến có 29 khách (đạt 41,5%).

Vinbus – doanh nghiệp vận hành tuyến, trước đó cũng cho rằng tỷ lệ trợ giá cho buýt điện D4 thấp, chỉ bằng 2/3 so với các tuyến xe chạy bằng dầu diesel, CNG. Đơn giá chi phí buýt điện hiện áp dụng ngang xe CNG, bị xem là thấp vì chi phí vận hành cao hơn. Phía công ty cho biết gần hai năm vận hành, đơn vị lỗ hơn 33 tỷ đồng.

Ngoài D4, bốn tuyến còn lại cũng trong diện thí điểm ở TP HCM chưa hoạt động, gồm: VB01 (Vinhomes Grand Park – Trung tâm thuơng mại Emart); VB02 (Vinhomes Grand Park – sân bay Tân Sơn Nhất); VB03 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) và VB05 (Vinhomes Grand Park – Bến xe miền Đông mới – Khu đô thị Đại học Quốc gia).

Sau giai đoạn thí điểm, lãnh đạo thành phố giao Sở giao thông Vận tải cùng các đơn vị liên quan tổng kết, đánh giá lại mô hình trên, từ đó đề xuất triển khai các bước tiếp theo như đặt hàng hay đấu thầu khai thác tuyến. Đồng thời, thành phố đang xây dựng định mức, đơn giá vận hành buýt điện nhằm thuận lợi cho doanh nghiệp vận hành.

TP HCM hiện có hơn 2.000 xe buýt hoạt động, trong đó hơn 500 xe gồm buýt điện và CNG, còn lại chạy dầu diesel. Theo lộ trình chuyển đổi, từ năm 2025 toàn bộ xe buýt thay thế, đầu tư mới ở thành phố sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.