Từ ngày 19/8 đến ngày 23/8, Thành ủyTPHCM tổ chức lấy ý kiến người dân về việc điều chỉnh bảng giá đất. Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM công bố dự thảo bảng giá đất, với mức tăng từ 5-51 lần, gây nhiều lo ngại.
Thành ủy TPHCM vừa công bố đường link để người dân tham gia khảo sát, đóng góp ý kiến liên quan đến dự thảo bảng giá đất ở TPHCM.
Theo đó, để có thêm thông tin nhằm đánh giá sự quan tâm của người dân và các ý kiến đề xuất liên quan đến dự thảo bảng giá đất dự kiến áp dụng tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM triển khai cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trên mạng internet trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn.
Thời gian khảo sát từ ngày 19/8 đến ngày 23/8. Người dân muốn tham gia khảo sát thì bấm vào Phiếu khảo sát, thăm dò dư luận xã hội về dự thảo bảng giá đất TPHCM.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã đưa ra dự thảo quyết định điều chỉnh quyết định số 02/2020-QĐ-UBND của UBND TPHCM về bảng giá đất trên địa bàn.
Theo dự thảo bảng giá đất này, 1 quận và 4 huyện có mức tăng giá đất tại một số vị trí đất trên 30 lần, cá biệt tại huyện Hóc Môn có mức tăng giá đến 51 lần.
Cần có thời gian cho người dân TPHCM phản biện, từng quận, huyện tổ chức phản biện giá đất trên địa bàn thì sát thực tế hơn.
Cụ thể, mức giá đất tại quận 1 tăng 5 lần; quận 3 tăng 4 – 9 lần; quận 4 tăng 11 lần; quận 5 và quận 7 tăng 6 lần; quận 6 tăng 5 – 11 lần; quận 8 tăng 4 – 18 lần; quận 10 tăng 5 – 6 lần; quận 11 tăng 4 – 9 lần; quận 12 tăng 3 – 33 lần; quận Bình Thạnh tăng 5 – 13 lần; quận Gò Vấp tăng 7 – 11 lần; quận Phú Nhuận tăng 7 – 8 lần; quận Tân Bình tăng 7 – 12 lần; quận Tân Phú tăng 7 – 17 lần; quận Bình Tân tăng 9 – 17 lần; TP. Thủ Đức tăng 6 – 35 lần; huyện Hóc Môn tăng 5 – 51 lần; huyện Củ Chi tăng 9 – 31 lần; huyện Bình Chánh tăng 2 – 36 lần; huyện Nhà Bè tăng 7 – 23 lần; huyện Cần Giờ tăng 8 – 23 lần.
Trước thông tin giá đất sẽ tăng đột biến, người dân TPHCM đã đổ xô đi làm thủ tục đất đai. Tuy nhiên hiện nay, các chi cục thuế tại TPHCM chỉ tính tiền sử dụng đất cho những hồ sơ nhận trước ngày 31/7. Đối với các hồ sơ sau ngày 1/8, tức ngày Luật Đất đai năm 2024 bắt đầu có hiệu lực, cơ quan thuế vẫn đang chờ hướng dẫn.
Bà Ung Thị Xuân Hương – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM nhất trí việc ban hành bảng giá đất mới. Tuy nhiên theo bà, cần có thời gian cho người dân phản biện, từng quận, huyện tổ chức phản biện giá đất trên địa bàn thì sát thực tế hơn.
Hiện nay có tình trạng các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất có liên quan nghĩa vụ tài chính khi chuyển qua cơ quan thuế từ ngày 1/8 được thông báo phải chờ hướng dẫn. Bà Hương khẳng định, việc ngưng giải quyết hồ sơ cho người dân lúc này là hoàn toàn không đúng. Đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM nghiên cứu, tham mưu để UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo giải quyết cho người dân.
“Việc ngành thuế dừng tính thuế của người dân là sai vì luật không hồi tố. Hiện nay, bảng giá đất mới chưa ban hành, bảng giá đất cũ vẫn còn hiệu lực nên phải tính thuế cho người dân theo bảng giá đất cũ”, bà Hương nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) khẳng định, tại thời điểm hiện nay, chưa thật cần thiết ban hành bảng giá đất trên địa bàn TPHCM áp dụng từ ngày 1/8 đến ngày 31/12/2024. TPHCM nên tiếp tục áp dụng bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất hiện hành trong giai đoạn từ nay đến ngày 31/12/2025 theo quy định tại khoản 1 Điều 257 luật Đất đai 2024 để người dân có đủ thời gian làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận và lo tài chính để nộp tiền sử dụng đất theo giá cũ nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho người dân.