Vợ chồng mới cưới có thể mất trắng tài sản nếu mắc phải sai lầm dưới đây.
Sự biến động không ngừng của thị trường vàng trong thời gian qua khiến chúng trở thành khoản đầu tư sinh lời tốt với nhiều người. Giá vàng tăng cao nên bạn càng cần lưu ý khi cho mượn, vay hoặc nhờ cầm hộ chúng, nếu không muốn rơi vào tình huống phức tạp, thậm chí mất trắng tài sản đang có.
Câu chuyện của cặp vợ chồng đang thu hút sự quan tâm từ mạng xã hội dưới đây là ví dụ.
Trong một hội nhóm, chị vợ chia sẻ câu chuyện của mình: Năm 2014, chị và chồng tổ chức đám cưới. Thời điểm mới về làm dâu, do còn ngại nhà chồng nên trước lời đề nghị của mẹ chồng muốn giữ vàng cưới giúp, chị cũng miễn cưỡng đưa hết vàng cho bà. Khi đó, số vàng cưới gồm 2,8 cây vàng do bên nhà ngoại tặng, 6 chỉ vàng do bên nội tặng, tổng là 34 chỉ vàng.
Suốt nhiều năm sau, dù chị đã “đánh tiếng” đòi lại vàng từ mẹ chồng nhiều lần, song bà đều từ chối. Chị chia sẻ: “Thỉnh thoảng em vẫn nhắc khéo vàng đó để mẹ giữ hộ, chừng nào cất nhà thì mẹ cho con xin lại, mẹ vẫn vui vẻ đồng ý. Đôi lần em xin lại nhưng do chưa có việc gì lớn bà đều bảo cứ để bà giữ chứ 2 vợ chồng cầm lại tiêu mất, nên em không có lí do đòi được”.Cho đến năm nay, vợ chồng chị tính ra ở riêng. Ban đầu, khi chị ngỏ ý xin lại số vàng cưới thì mẹ chồng không muốn trả lại, cứ nói để bà giữ. Sau đó, vợ chồng chị chia sẻ hoàn cảnh không có tiền xây nhà thì mẹ chồng mới tiết lộ sự thật.
Theo mẹ chồng, với số vàng cưới của hai con, bà đã tặng cho nhiều người khác nhau, dưới danh nghĩa: con trai (hay chồng của chủ nhân bài đăng) tặng quà cho họ. Cụ thể, bà tặng con dâu khác là 9 chỉ vàng, tặng cho con gái mới cưới năm 2019 là 1,2 cây vàng, tặng con của dì (em gái của mẹ chồng) là 5 chỉ vàng. Tuy nhiên khi tặng vàng, bà chưa từng bàn bạc một lời với con trai và con dâu.
Từ 34 chỉ vàng cưới lúc đầu của cặp vợ chồng đưa mẹ, giờ bà chỉ có thể đưa lại cho các con.. 8 chỉ vàng.
Mẹ chồng đem vàng cưới của con trai và con dâu đi tặng cho người khác, mà không bàn bạc trước với hai con (Ảnh minh hoạ)
Chị vợ cho biết thêm, vợ chồng chị cũng đã lên tiếng đòi lại đúng số vàng cưới với mẹ chồng. Tuy nhiên, bà nhất quyết không trả lại vàng, chỉ kêu chồng chị đi đòi lại vàng từ các em. Bởi mẹ cho rằng khi đi tặng vàng, bà đã lấy danh nghĩa của con trai tặng quà cho họ.
Bài viết nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cư dân mạng. Nhiều người đã bày tỏ sự cảm thông với đôi vợ chồng, đồng thời trách móc tới hành động thiếu trách nhiệm của mẹ chồng khi nắm giữ vàng cưới của các con:
– Chia buồn với gia đình bạn. Giờ muốn đòi vàng cũng quá khó khăn. Bạn hãy coi như một bài học, vàng cũng là tiền, nên tốt nhất là mình tự cầm thay vì đưa cho người khác.
– Ngày trước, mình để vàng cưới trong tủ. Mẹ chồng lấy sạch rồi bảo là sau này có con thì trả lại. Nhưng đến giờ con mình 16 tuổi, mình cũng không đòi được vàng.
– Ai mà hay khuyên có vàng thì đưa mẹ cầm giúp cho chắc ăn thì nhớ lấy câu chuyện này. Tài sản của mình thì mình phải tự cầm, đưa cho người khác có ngày mất hết như chơi.
– Giờ bạn bảo chồng đứng ra đòi nợ từ mẹ. Chứ bạn đòi vàng từ các em sẽ không hay đâu.
– Người đáng trách nhất là người có vàng cưới nhưng đưa bố mẹ chồng giữ. “Đồng tiền đi liền khúc ruột” – các cụ nói không bao giờ sai đâu.
– Mẹ chồng hành xử vô lý quá. Vàng cưới này không phải của mình mà dám đem cho/tặng người khác, còn không bàn một câu trước với hai con.
– Mình thấy mẹ chồng vòng vo thế này thì có khi mẹ bạn chẳng tặng vàng cho ai đâu, bà giữ hết cho riêng mình rồi đấy.
Câu chuyện là hồi chuông cảnh tỉnh cho những đôi vợ chồng đang dự định nhờ người khác giữ hộ vàng cưới (Ảnh minh hoạ)
Cẩn trọng khi đưa vàng cưới cho người khác
Dẫu chưa biết là sau này đôi vợ chồng trên có thể đòi được hết vàng cưới hay không, tuy nhiên câu truyện trên cũng là hồi chuông cảnh báo các cặp đôi trẻ nên cẩn trọng trước khi giao tài sản cho người khác giữ lấy.
Sau đám cưới, nhiều cặp vợ chồng thường được người lớn tuổi trong gia đình đề nghị giữ hộ tài sản đó có thể là vàng, đồ trang sức, phong bì,… Với một số trường hợp, do còn tâm lý lạ lẫm trong quản lý tài chính sau khi vừa kết hôn hoặc ngại ngần từ chối lời đề nghị cầm hộ tài sản nên vợ chồng đã trao hết tiền nong cho người lớn tuổi. Tuy nhiên, nếu đã nhờ ai đó giữ hộ tài sản, bạn cần tính trước những tình huống phát sinh ngoài mong đợi.
Cũng vì thế, trước khi đưa tài sản cho người khác, các cặp đôi cần thảo thuận trước với đối phương về hình thức cất giữ và thời điểm trả lại. Khi nhờ người lớn tuổi trong gia đình giữ hộ tài sản thì nên có cả vợ và chồng cùng tham gia.
Cần nhớ, các chủ đề về tiền nong càng được thảo luận công khai và minh bạch giữa các bên thì càng tránh được rủi ro. Tuy nhiên, tốt nhất để không gặp cảnh “tiền mất tình tan”, tài sản nào tự quản lý được thì hai vợ chồng nên tự giữ, tránh phụ thuộc vào người khác.