BQLDA và các nhà thầu thi công đã chính thức hợp long cây cầu gần nghìn tỷ đồng vượt sông Hồng và nối 2 ‘vựa lúa’ lớn nhất của miền Bắc.
Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình và nhà thầu thi công vừa tổ chức hợp long cầu Sông Hồng, nối hai huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định).
Cầu vượt sông Hồng có tổng chiều dài 1.400m với 27 nhịp, trong đó bao gồm 5 nhịp cầu chính, với nhịp chính giữa vượt sông có khẩu độ 120m.
Cầu vượt sông Hồng kết nối tỉnh Nam Định và Thái Bình chính thức hợp long. Ảnh: Internet
Tổng vốn đầu tư của công trình gần 1.000 tỷ đồng và đây là cây cầu quan trọng, được hoàn thành cuối cùng trong dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; được đánh giá là hạng mục trọng yếu nhất trên toàn tuyến.
Sau khi hoàn thành, công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực mà còn góp phần hình thành trục đường giao thông chính ven biển, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cầu vượt sông Hồng đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của Khu kinh tế Thái Bình.
Cầu vượt sông Hồng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình. Ảnh: Internet
Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình (nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Bắc – Nam) sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ giúp tỉnh Thái Bình tận dụng được tối đa lợi ích từ giao thương.
Cầu vượt sông Hồng có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Internet
Với vị trí chiến lược, phía Bắc giáp các vùng kinh tế tiềm năng như Quảng Ninh, Hải Phòng, và phía Nam giáp Thanh Hóa, Nam Định, tuyến đường ven biển sẽ trở thành cầu nối giao thông hành lang ven biển giữa các tỉnh.
Cây cầu sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện trục đường giao thông chính ven biển. Ảnh: Internet
Thời gian di chuyển từ Thái Bình đến Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) sẽ rút ngắn còn 90 phút, thay vì 2,5 giờ như trước đây. Thời gian di chuyển đến Sân bay Vân Đồn chỉ mất 150 phút và đến Cửa khẩu Móng Cái còn 180 phút.
Trước đó, tỉnh Thái Bình đã quyết định dừng tổ chức sự kiện hợp long cầu Sông Hồng nhằm tập trung khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra.
Vùng Đồng bằng sông Hồng là “vựa lúa” lớn thứ 2 của cả nước (sau Đồng bằng sông Cửu Long); trong đó tỉnh Thái Bình và Nam Định được xem là 2 “vựa lúa” lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng.