Xin link clip “nóng”: Có bị phạt?
Dù không phải chủ mưu – người trực tiếp tung ra các clip 18+ với mục đích xấu nhưng những cư dân mạng đang lan truyền nội dung này bằng cách “xin link” hay “share link” cũng có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Gần đây trên các mạng xã hội, việc phát tán clip nóng được diễn ra nhiều, rầm rộ và công khai hơn bao giờ hết. Các clip này được lan truyền rộng rãi không chỉ do những kẻ chủ mưu gây ra mà còn có sự tham gia tích cực của nhiều cư dân mạng thiếu ý thức.
Mỗi khi xuất hiện sự việc lộ clip nóng, các bạn trẻ lại công khai “xin link” hay “share link” để truyền tay nhau những hình ảnh không lành mạnh. Mặc dù không phải chủ mưu – người trực tiếp tung ra các clip 18+ với mục đích xấu nhưng những hành động này đã vô tình thực hiện hành vi phát tán clip nóng, khiến những văn hóa phẩm đồi trụy này nhanh chóng lan truyền rộng khắp và trở thành trào lưu độc hại trong giới trẻ.
Dưới góc nhìn pháp lý, phát tán những clip nóng là hành vi xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về quyền bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân theo Điều 21 Hiến Pháp 2013.
Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng nghiêm cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy… phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Nếu lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng, cá nhân vi phạm thì bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Chia sẻ clip nóng, có thể đi tù!
Không chỉ quy định về xử phạt hành chính, nếu lan truyền hình ảnh, clip có nội dung 18+ với dung lượng lớn, truyền đến nhiều người hoặc đã bị xử phạt hành chính, người thực hiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể:
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;
d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;
đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;
e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo quy định trên, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người chia sẻ, phát tán clip nóng có thể bị phạt tù đến 15 năm.
Người chia sẻ clip nóng có phải bồi thường thiệt hại?
Theo khoản 3 Điều 32 và khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc sử dụng hình ảnh mà xâm phạm đến đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân thì ngoài việc buộc phải xin lỗi công khai thì còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Cụ thể, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài các chi phí này, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn phải chi trả một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở (hiện nay mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng).