Sau vụ việc nhánh cây gãy đè 2 người tử vong, 3 người bị thương ở Công viên Tao Đàn (TPHCM), nhiều người đặt câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Liên quan đến vụ nhánh cây Dầu gãy tại Công viên Tao Đàn khiến 2 người chết, 3 người bị thương, mới đây, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp cần thiết sau khi xảy ra sự cố.

Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND Quận 1 tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các nạn nhân bị thương và gia đình các nạn nhân tử vong do sự cố cây xanh gãy đổ.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình sự việc, xác định rõ nguyên nhân xảy ra sự cố và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan; đề xuất hướng xử lý, báo cáo UBND TP trước ngày 10/8.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Văn Nam – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo các quy định chuyên ngành Sở Xây dựng giao Ban Duy Tu thực hiện việc trồng mới, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh. Đối với những cây xanh được trồng trong khu đô thị ngoài phạm vi đường giao thông thuộc sở hữu của các chủ đầu tư khu đô thị.

Pháp luật quy định việc sử dụng tài sản phải đảm bảo an toàn cho người khác. Nếu sử dụng tài sản mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người quản lý tài sản phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định tại Điều 604 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp cây xanh bị gãy đổ mà gây thương tích, chết người hoặc thiệt hại về tài sản thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, chủ sở hữu, quản lý những cây xanh có thể được loài trừ trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân khi chứng minh được việc cây xanh gãy đổ là sự kiện bất khả kháng. Bởi, theo quy định tại khoản 2 điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 quy định về sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Ai chịu trách nhiệm bồi thường trong vụ nhánh cây rơi làm 2 người tử vong?- Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Trường hợp không phải bồi thường thì chủ sở hữu, quản lý cây xanh bị gãy đổ cần chứng minh đã thực hiện việc cắt tỉa cây xanh, thực hiện các biện pháp chống đỡ cây xanh và các biện pháp bảo đảm cây xanh có thể chống đỡ, đứng vững trước các trận dông lốc, mưa, bão, việc cây xanh gãy đổ là sự kiện bất khả kháng nằm ngoài ý chí của đơn vị quản lý cây xanh.

Cũng theo luật sư Nam, nếu trường hợp cơ quan chức năng xác định đây là hậu quả chết người xuất phát từ sai sót trong công tác quản lý cây xanh thì đơn vị quản lý này phải có nghĩa vụ bồi thường theo pháp luật dân sự.

Theo đó, mức bồi thường tổn thất tài sản bao gồm thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Thiệt hại về sức khỏe được bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

Thiệt hại về tính mạng được bồi thường các khoản như thiệt hại về sức khỏe cộng với chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; các thiệt hại khác do luật định.

Ngoài ra, đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, người bị thiệt hại còn được bù đắp tổn thất tinh thần, mức bồi thường do luật định hoặc do các bên thỏa thuận.