Như Dân Việt đã thông tin, HĐND TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) vừa nhất trí thông qua phương án sáp nhập 3 phường Tiền An, Ninh Xá, Vệ An thành một phường mới có tên Tiền Ninh Vệ. Trước nhiều ý kiến trái chiều về tên phường mới này, PV Dân Việt đã trao đổi với lãnh đạo phường.

Theo đó, thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đang sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, trong đó có 3 phường của thành phố Bắc Ninh là Tiền An, Ninh Xá, Vệ An sẽ buộc phải sáp nhập làm một với tên gọi mới là Tiền Ninh Vệ, tức lấy 3 tên đầu của 3 phường để ghép lại với nhau.

Lấy tên phường mới từ lịch sử trước đây
Trao đổi với phóng viên Dân Việt chiều 21/8 về tên phường có 3 chữ Tiền Ninh Vệ, ông Nguyễn Quốc Chung – Chủ tịch UBND phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh cho biết, việc đặt tên phường mới sau khi sát nhập là phường Tiền Ninh Vệ được người dân 3 phường nói chung và phường Ninh Xá nói riêng đồng thuận rất cao, đạt tỷ lệ 97,5%.

Tên phường 3 chữ "Tiền Ninh Vệ" ở Bắc Ninh có yếu tố lịch sử, người dân đồng thuận cao - Ảnh 1.

Sau khi sát nhập 3 phường: Tiền An, Ninh Xá, Vệ An thành phường Tiền Ninh Vệ có diện tích tự nhiên 1,727 km2; quy mô dân số 31.373 người. Nơi đặt trụ sở làm việc tại số 85 đường Nguyễn Du, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (trụ sở UBND phường Ninh Xá hiện nay). Ảnh: Khương Lực


Theo ông Chung, tên gọi phường Tiền Ninh Vệ không có gì lạ đối với người dân địa phương, vì trước đây thị xã Bắc Ninh (khi còn thuộc tỉnh Hà Bắc) đã từng có khu phố Tiền Ninh Vệ. Vào tháng 5/1952, địa giới các xã thuộc nội thành thị xã Bắc Ninh được tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh lại thành 5 đơn vị gồm: Khu phố Đáp Cầu, khu phố Thị Cầu, khu phố Tiền Ninh Vệ, xã Kinh Bắc và xã Vũ Ninh.

“Vấn đề này, lãnh đạo tỉnh, thành phố và phường cũng đã lựa chọn và lấy tên trong lịch sử đã có. Sau khi lấy ý kiến của người dân, cơ bản người dân đồng thuận rất cao với tên này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không tránh khỏi có một số ý kiến cho rằng cũng xem xét việc lấy một tên nào vừa mang tính chung nhất nhưng cũng là một tên mới, ngắn gọn” – ông Chung nói.

Tên phường 3 chữ "Tiền Ninh Vệ" ở Bắc Ninh có yếu tố lịch sử, người dân đồng thuận cao - Ảnh 2.

Một khu phố ở phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Khương Lực

Ông Nguyễn Văn Mùi – Trưởng khu phố Ninh Xá 1 cho biết, bà con có nói tên gọi này là lịch sử từ xưa, nó vẫn là tên khu phố Tiền Ninh Vệ để lại nên tên phường là Tiền Ninh Vệ cũng là hợp lý. “Cũng có trường hợp “lăn tăn” bảo là sao tên phường bây giờ có 3 chữ, nhưng lịch sử của giai đoạn trước cũng đã là Tiền Ninh Vệ rồi” – ông Mùi nói và cho biết nhìn chung người dân đến giờ phút này thống nhất sát nhập 3 phường và lấy tên là phường Tiền Ninh Vệ, đặt trụ sở tại UBND phường Ninh Xá.

Theo ông Mùi, mong muốn của bà con nhân dân khi sát nhập 3 phường làm 1, quy mô hành chính rộng thì các vấn đề như vệ sinh môi trường, an sinh xã hội, học hành của các cháu, đặc biệt các thủ tục hành chính sau khi hoàn thiện sát nhập thì làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con.

“Trong cộng đồng dân cư, bây giờ hầu hết lớp trẻ đi lao động, đi làm, còn người trung tuổi, cao tuổi ở nhà thì họ làm những vấn đề xã hội tích cực lắm, nhưng về công nghệ theo đề án 06 thì họ bị hạn chế. Vì thế, họ có trăn trở là sau này giấy tờ căn cước hoặc giấy tờ liên quan tới thủ tục hành chính thì tên phường là tên phường mới như vậy, làm sao nhà nước sau khi sát nhập xong thì quan tâm đến để giải quyết, tạo thuận lợi nhất cho người dân” – ông Mùi thông tin.

Là người trực tiếp đi vận động lấy ý kiến người dân về chủ trương sát nhập 3 phường Tiền An, Ninh Xá, Vệ An và lấy tên phường là Tiền Ninh Vệ, ông Tưởng – Tổ trưởng Tổ 50, Khu 5, phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh cho biết, có tới 95-96% bà con đồng ý với chủ trương sát nhập và đặt tên phường là Tiền Ninh Vệ. “Bây giờ đang phường Tiền An, sau gọi là phường Tiền Ninh Vệ hơi dài dòng một tý nhưng dần dần sau cũng quen” – ông Tưởng nói.

Tên phường 3 chữ "Tiền Ninh Vệ" ở Bắc Ninh có yếu tố lịch sử, người dân đồng thuận cao - Ảnh 3.

“Bây giờ đang phường Tiền An, sau gọi là phường Tiền Ninh Vệ hơi dài dòng một tý nhưng dần dần sau cũng quen” – ông Tưởng – Tổ trưởng Tổ 50, Khu 5, phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh nói. Ảnh: Khương Lực

Qua tổng hợp kết quả lấy ý kiến, đã có trên 96% cử tri của 3 phường Tiền An, Ninh Xá, Vệ An tán thành với chủ trương sáp nhập là phường Tiền Ninh Vệ.

Nên lấy một tên ngắn gọn có hai chữ cái

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số ý kiến khác về tên gọi mới này, sao cho vừa ngắn gọn, có ý nghĩa. Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, ông Trần Sỹ Xuyên – nguyên Bí thư Đảng ủy phường Ninh Xá cho biết, vào thời điểm giải phóng thị xã Bắc Ninh (8/8/1954), thị xã không có phường mà chỉ là các khu phố, trong đó có phố Tiền Ninh Vệ. “Tôi thấy nhân dân thắc mắc tên phường Tiền Ninh Vệ nhiều chữ quá, khó nghe. Theo tôi cứ lấy phường Nguyễn Du – một danh nhân văn hóa là đúng nhất” – ông Xuyên chia sẻ.

Ý kiến của ông Xuyên cũng được nhiều luồng tranh luận trên mạng xã hội những ngày qua, theo đó nhiều ý kiến cho rằng, nên chọn một tên phường mới ngắn gọn và dễ đọc hơn, chứ không nên ghép cơ học lại với nhau chẳng hạn như phường An Ninh vừa đầy đủ, vừa dễ nghe.

Sau sắp xếp, phường Tiền Ninh Vệ có diện tích tự nhiên 1,727 km2; quy mô dân số 31.373 người. Nơi đặt trụ sở làm việc tại số 85 đường Nguyễn Du, thành phố Bắc Ninh (trụ sở UBND phường Ninh Xá hiện nay).

Như vậy, sau khi sắp sếp đơn vị hành chính cấp phường, thành phố Bắc Ninh sẽ còn lại 17 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc, giảm 2 phường so với trước đây.

Việc tranh cãi tên các phường, xã sau sáp nhập ở các địa phương trong thời gian vừa qua đã xảy ra ở nhiều nơi, điển hình như trường hợp sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ban đầu, do cả hai xã đều không muốn mất đi tên lịch sử của mình nên đã chọn tên mới là xã “Đôi Hậu”. Sau đó, dư luận phản ánh, tên mới khó nghe, buồn cười, nên cuối cùng đã đi đến chọn một tên mới là xã Quỳnh An và nhận được sự đồng thuận cao.

Trên thực tế, tại nhiều địa phương thời gian qua cũng sáp nhập từ 2-3 xã, phường lại với nhau và không nhất thiết cứ phải ghép hai chữ cái đầu hoặc cuối của các xã, phường mới lại với nhau, mà có khi chỉ cần lấy tên của một xã, phường hiện có đại diện cho tên của 2-3 đơn vị hành chính sau sáp nhập. Còn các tên xã, phường cũ, có thể đặt lại cho tên các con đường, khu phố tại địa phương.