Dự án, tuyến đường Vành đai 5 sẽ có chiều dài khoảng 331km với tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc bố trí nguồn vốn từ Trung ương để triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên với mục tiêu hoàn thành trước năm 2030.

Theo đề xuất, UBND tỉnh Bắc Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đưa ra ý kiến thống nhất về quy mô quy hoạch của tuyến đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô Hà Nội đoạn từ cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.

Tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị cho phép quy hoạch và đầu tư xây dựng đoạn đường gom dài khoảng 3km trên địa bàn tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Thái Nguyên.

Trước mắt, tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định trước tim tuyến và phạm vi giải phóng mặt bằng cho đoạn tuyến chính, tạo điều kiện để tỉnh Bắc Giang quy hoạch và đầu tư xây dựng đường gom bằng nguồn vốn địa phương.

Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang trong quá trình lập Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang lấy ý kiến từ các cơ quan và địa phương theo quy định.

Quy hoạch này dự kiến sẽ bao gồm tuyến đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc, với quy mô 4 làn xe và lộ giới 50m (tính từ chân taluy đường).

Trong thời gian chờ đợi tuyến đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô Hà Nội được đầu tư, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ quy hoạch và chuẩn bị đầu tư tuyến đường gom Vành đai 5 trên địa bàn huyện Tân Yên từ nguồn vốn địa phương, nhằm kết nối với đoạn tuyến do tỉnh Thái Nguyên xây dựng.

Được biết, theo quy hoạch, dự án tuyến đường Vành đai 5 dự kiến dài khoảng 331km đi qua 36 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Tổng số vốn đầu tư của dự án quy hoạch đường Vành đai 5 khoảng 85.561 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,42%. Trong số các địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thì Bắc Giang là địa phương đứng đầu với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 14,14%.

Bắc Giang được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp” miền Bắc với số lượng và diện tích khu công nghiệp thuộc nhóm đầu. Hiện tại, tỉnh đang có 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.239ha.