Địa phương này sẽ mở rộng địa giới hành chính khu vực thành phố trực thuộc, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn với việc hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Theo quy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn đặt mục tiêu trở thành một tỉnh biên giới có nền kinh tế phát triển, đóng vai trò là một trong những cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt, với đường biên giới dài hơn 230km, Lạng Sơn được định hướng là “cầu nối” quan trọng trong thương mại và kinh tế giữa Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc, và châu Âu.

Một góc TP. Lạng Sơn. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Một góc TP. Lạng Sơn. Ảnh: Báo Lạng Sơn
Theo quy hoạch, TP. Lạng Sơn sẽ được mở rộng địa giới hành chính khi huyện Cao Lộc (huyện biên giới giáp Trung Quốc) sẽ được sáp nhập vào TP. Lạng Sơn. Đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 17 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại II (TP. Lạng Sơn mở rộng), 3 đô thị loại IV (Hữu Lũng, Đồng Mỏ, Lộc Bình), và 13 đô thị loại V (Chi Lăng, Vạn Linh, Na Sầm, Tân Thanh, Thất Khê, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Ngả Hai, Na Dương, Chi Ma, Đình Lập, Nông trường Thái Bình).

Cùng với đó, Lạng Sơn sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp bằng việc hình thành hệ thống các khu công nghiệp trên địa bàn. Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh dự kiến phát triển 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.055ha. Thêm vào đó, tỉnh cũng sẽ xây dựng thêm 8 khu công nghiệp khi được bổ sung vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, tuân thủ các quy định pháp luật về khu công nghiệp.