Tiến độ của dự án “khủng” này được đề cập đến trong thông báo mới nhất từ Văn phòng Chính phủ.

Tiến độ của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 391/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại Phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo. Trong đó đề cập đến thông tin quan trọng: Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Như vậy, chủ trương đầu tư Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam như thế nào có thể sẽ được Chính phủ công bố trong thời gian tới.

Trả lời báo Dân Việt, ông Lưu Quang Thìn, Vụ phó Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết Bộ đang tập trung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để giảm ùn tắc giao thông.

Siêu dự án 70 tỷ USD, dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh thành ở Việt Nam hiện đang được "thai nghén" đến đâu? - Ảnh 1.

Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hứa hẹn vô cùng hiện đại. Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Qua đó, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam để hình thành mạng lưới vận chuyển hành khách thuận tiện trong cả nước; đầu tư các tuyến đường sắt mới, điện khí hóa để kết nối cảng biển quan trọng, kết nối cảng hàng không; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đồng bộ hạ tầng.

Bên cạnh, đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho báo Sài Gòn Giải Phóng hay, đa số ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia đều thống nhất phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tốc độ thiết kế 350km/h, dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh thành, chủ yếu khai thác tàu khách và sẽ khai thác tàu hàng khi cần thiết.

Nếu xuất hiện nhu cầu vận tải hàng hóa trên tuyến đường sắt tốc độ cao mới xem xét khai thác tàu hàng khác khung giờ với tàu khách. Dự kiến, tàu hàng sẽ được khai thác vào ban đêm với tần suất 4 đêm/tuần, còn lại 3 đêm/tuần để bảo trì kết cấu hạ tầng. Tổng kinh phí đầu tư theo kịch bản này khoảng gần 70 tỷ USD.

Sắp xếp nguồn vốn cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thế nào?

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy trao đổi với nguồn trên, tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công để bảo đảm đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng và phương tiện nhằm khai thác ngay trong giai đoạn đầu, tránh rủi ro không huy động được doanh nghiệp đầu tư phương tiện. Cụ thể, dự án sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn vay ODA có điều kiện vay tốt…) của Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) lại cho rằng đường sắt tốc độ cao nếu được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là tốt nhất, tối ưu nhất.

“Tôi cho rằng, nếu chọn giải pháp này, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, cộng thêm sự tài trợ về vốn của các quốc gia khác, tổ chức tài chính quốc tế, dù số tiền đầu tư rất lớn nhưng chắc chắn sẽ có những giải pháp hiệu quả về nguồn vốn, phương thức đầu tư, khai thác…”, ông Thịnh cho PV Tiền Phong hay.

Hiện nay, Việt Nam đang tranh thủ kêu gọi vốn từ các Ngân hàng quốc tế cũng như các quốc gia lớn khác cho dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao.

Ví dụ như trong các buổi làm việc với Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) ngày 16/7/2024, với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ngày 27/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các Ngân hàng này tư vấn, tài trợ, hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho Việt Nam trong các dự án hạ tầng quy mô lớn, hiệu quả cao, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái như xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Hay như trong năm 2023-2024, Việt Nam liên tiếp có những cuộc làm việc song phương với lãnh đạo Nhật Bản và đều đạt kết quả tích cực liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Tiêu biểu là ngày 10/6/2024, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá: Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng GTVT, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam với 52 dự án ODA, tổng mức đầu tư lên tới 15 tỷ USD. Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ vốn, kĩ thuật.

Đáp lời, Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki cho biết việc Nhật Bản hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam vô cùng quan trọng. Phía Nhật Bản rất quan tâm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong đầu tư các dự án hạ tầng giao thông như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.