Công ty AON Plc – chủ sở hữu Landmark 72, muốn bán 100% cổ phần với giá hơn 1.000 tỷ won. Được biết, công trình bất động sản này hiện đang là một trong những tòa nhà có giá thuê văn phòng đắt đỏ nhất tại Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy văn phòng lên tới 98%.

Theo thông tin từ The Korea Ecocnomic Daily, công ty chứng khoán Mirae Asset đang “để mắt” đến khoản lợi nhuận hấp dẫn khi Công ty tái bảo hiểm toàn cầu AON plc, chủ sở hữu của bất động sản Landmark 72, muốn bán 100% cổ phần với giá hơn 1.000 tỷ won (khoảng 18.500 tỷ đồng).

Landmark 72 - "viên ngọc" bất động sản Hà Nội được rao bán với giá hơn 18.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Thông tin từ tờ báo The Korea Economic Daily, tạm dịch: Mirae Asset đang “để mắt” tới khoản lợi nhuận từ việc bán tòa nhà chọc trời ở Hà Nội (Ảnh chụp màn hình)

Theo Kedglobal, một số công ty quản lý quỹ bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn đang cân nhắc mua lại tòa nhà chọc trời này.

Được biết, năm 2015, AON đã vượt qua Goldman Sachs và công ty đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA) để mua bất động sản này với giá 454 tỷ won (khoảng 340 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) từ công ty xây dựng của Hàn Quốc SM Keangnam Enterprises.

Thời điểm đó, Mirae Asset cũng tham gia vào thương vụ này theo hình thức mua lại các khoản vay cấp cao trị giá 300 tỷ won (220 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi trị giá 100 tỷ won (75 triệu USD).

Cũng trong tờ báo Kedglobal, Mirae Asset vẫn nắm giữ trái phiếu và đang xem xét việc đổi chứng khoán thành cổ phiếu phổ thông.

Landmark 72 với chiều cao 336 m, gồm 72 tầng nổi và hai tầng hầm, được khánh thành vào năm 2012 và trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam thời điểm đó. Tòa nhà là một phần của khu phức hợp Keangnam Landmark, được xây dựng bởi SM Keangnam Enterprises – một công ty xây dựng Hàn Quốc – với tổng diện tích sàn lên tới 608.946 m2. Khu phức hợp này bao gồm cả hai tòa tháp đôi cao 48 tầng và tòa nhà Landmark 72 tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội được hoàn thành năm 2011.

Đây là công trình xây dựng được phê duyệt đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Vào thời điểm đó, Landmark 72 đã “soán ngôi” của Bitexco Financial Tower và đạt danh hiệu kép “tòa nhà cao nhất Việt Nam và tòa nhà cao nhất Hà Nội).

Toà tháp 72 tầng này bao gồm không gian văn phòng và bán lẻ, từng là tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam tọa lạc tại Phạm Hùng, Hà Nội. Cho đến khi tập đoàn Vingroup của quốc gia Đông Nam Á này xây dựng tòa nhà Landmark 81 cao 81 tầng với chiều cao 461 m vào năm 2018 ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Avision Young Việt Nam, giá thuê văn phòng tại Landmark 72 đạt 36 USD/m2/tháng, chưa kể phí dịch vụ 6,8 USD/m2. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lấp đầy văn phòng tại đây lên tới 98%, cho thấy sức hút mạnh mẽ của tòa nhà trong lĩnh vực cho thuê bất động sản cao cấp.

Landmark 72 - "viên ngọc" bất động sản Hà Nội được rao bán với giá hơn 18.000 tỷ đồng- Ảnh 2.

Landmark72 tại Hà Nội (Ảnh: SM Keangnam Enterprises)

Chân dung đại gia Hàn Quốc muốn bán Landmark 72 là ai?

AON Plc là công ty tài chính đa quốc gia có trụ sở tại London (Anh). Công ty được thành lập vào năm 1982, sau khi Tập đoàn Ryan Insurance Group hợp nhất với Công ty Combined Insurance Company of America.

Công ty hoạt động trong 3 lĩnh vực chính dưới tên 3 doanh nghiệp nhỏ là Aon Risk Solutions – cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý rủi ro, Aon Benfield – hoạt động trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm và Aon Hewitt – hoạt động giải đáp thắc mắc, tư vấn khách hàng về nguồn nhân lực.

Về kết quả kinh doanh quý 2/2024, AON Plc ghi nhận doanh thu đạt 3,76 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thương vụ mua lại NFP – một công ty quản lý tài sản trị giá 13 tỷ USD – đã khiến chi phí hoạt động của AON tăng 33% lên 3,1 tỷ USD.

Cuối cùng, AON báo lợi nhuận ròng giảm 6% so với cùng kỳ xuống còn 524 triệu USD.

Landmark 72 - "viên ngọc" bất động sản Hà Nội được rao bán với giá hơn 18.000 tỷ đồng- Ảnh 3.

Nguồn: Tradingview