Đầu tư tiền xây cầu rồi đặt trạm thu phí, một công ty làm BOT tại tỉnh Thái Bình không lường trước được Nhà nước xây thêm chiếc cầu “free” kế bên. Trước nguy cơ “trắng tay”, giá cổ phiếu công ty thua ly trà đá.

CTCP BOT Cầu Thái Hà (UPCoM: BOT) tiếp tục thua lỗ 16,5 tỷ đồng trong quý I/2024, nâng khoản lỗ lũy kế của công ty tại thời điểm ngày 31/3 lên 453,3 tỷ đồng. Số vốn góp của chủ sở hữu ban đầu là 592,5 tỷ đồng đến nay chỉ còn 139,2 tỷ đồng sau 5 năm đi vào vận hành trạm BOT cầu Thái Hà tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Nếu tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh như hiện tại, BOT Cầu Thái Hà có thể đối mặt nguy cơ mất trắng vốn chủ sau 2 năm tới.
z5476816032137_f3e23c418941bdee9aca1a966cd987fb.jpg5 năm đi vào vận hành, doanh thu từ trạm BOT Cầu Thái Hà không đủ trả tiền lãi vay
Theo tìm hiểu, Công ty BOT Cầu Thái Hà được thành lập vào năm 2014 với 3 cổ đông là Công ty TNHH Tiến Đại Phát, CTCP Đầu tư Tư vấn & Xây dựng Phú Xuân, CTCP Đầu tư & XNK Bình Minh nhằm mục đích triển khai xây dựng cầu Thái Hà bắc qua sông Hồng, nối 2 tỉnh Hà Nam và Thái Bình, nằm trên trục đường nối với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình.

Công ty đã đầu tư vào dự án này 1.375,4 tỷ đồng theo nguyên giá và 84,1 tỷ đồng thuế GTGT, tổng là 1.459,5 tỷ đồng. Trạm BOT cầu Thái Hà thu phí chính thức vào tháng 2/2019, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 7 tháng. Trước đó 1 tháng, Công ty BOT Cầu Thái Hà được niêm yết trên UPCoM, mã chứng khoán BOT.


z5476982764062_fcf286e0f729468228536a38e7692cf4.jpgQuang cảnh “đìu hiu” tại trạm BOT cầu Thái Hà
Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động, công ty này liên tục đối mặt tình trạng doanh thu không đủ chi trả lãi vay từ đó dẫn đến thua lỗ. Như vào năm 2019, BOT Cầu Thái Hà ghi nhận doanh thu 24 tỷ đồng, nhưng lãi vay là 107 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí khác công ty lỗ ròng 169,6 tỷ đồng. Gần đây nhất vào năm 2023, BOT Cầu Thái Hà mang về 44,8 tỷ đồng doanh thu, lãi vay là 102,8 tỷ đồng khiến công ty lỗ sau thuế 83,1 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/3, tổng nguồn vốn của công ty là 1.463,9 tỷ đồng, trong đó nợ vay và chi phí lãi vay phải trả là 1.307 tỷ đồng (chiếm 89,3%).

Phiên giao dịch ngày 24/5, cổ phiếu BOT được giao dịch ở mức 2.900 đồng/cp (thấp hơn ly trà đá), khối lượng giao dịch 671.800 cổ phiếu ứng với giá trị 1,92 tỷ đồng. Vốn hóa công ty còn 171,8 tỷ đồng.

Lãnh đạo BOT Cầu Thái Hà: “Nếu biết trước đã không đầu tư”

Lý giải về tình trạng thu không đủ chi, Công ty BOT Cầu Thái Hà cho biết sau khi dự án nâng cấp và cải tạo Quốc lộ 39A và cầu Hưng Hà được hoàn thành, hầu hết các phương tiện đều chọn đi qua tuyến đường không thu phí qua cầu Hưng Hà bởi khoảng cách từ cầu Thái Hà đến cầu Hưng Hà là rất ngắn, chỉ khoảng 3 – 4km. Từ thời điểm thu phí BOT tới nay, doanh thu phí của công ty thực tế chỉ đạt khoảng 15,7% so với phương án tài chính hợp đồng BOT, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong thu hồi vốn và thanh toán nợ, lãi vay với ngân hàng.
z5476916894030_65f8c9ca7a214511231d09bc7ed3c2fd.jpgCầu Hưng Hà bên cạnh là nguyên nhân khiến doanh nghiệp lao đao


“Nếu biết trước cơ quan chức năng khởi công cầu Hưng Hà sau 1 năm, đơn vị đã không đầu tư làm cầu BOT Thái Hà” – Chủ tịch HĐQT BOT Thái Hà, ông Ngô Tiến Cương chia sẻ trong 1 lần phỏng vấn với Báo Lao Động.

Ông Cương nói thêm, nếu có ý định xây cầu Hưng Hà, cơ quan chức năng cần thông báo trước cho doanh nghiệp không đầu tư xây cầu BOT Thái Hà nữa để đỡ lãng phí nguồn lực.

Hiện nay, 90% lưu lượng các xe khi lưu thông từ phía Hà Nam sang Thái Bình, Hải Phòng và ngược lại đều chọn phương án đi qua cầu Hưng Hà để tránh bị thu phí.