Một khu đất có diện tích 280m2 với 8m mặt tiền trên phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hiện đang được rao bán với mức giá 448 tỷ đồng (xấp xỉ 1,6 tỷ đồng/m2).

1,6 tỷ đồng/m2 cho khu đất 8m mặt tiền

Theo thông tin được chủ mảnh đất đăng tải, khu đất này là đất hiện trạng trên mặt phố Hàng Trống, có mặt tiền 8m, hậu 12m, đường vào 15m, giấy tờ pháp lý đầy đủ và sẵn sàng giao dịch, kèm theo Giấy phép xây dựng 10 tầng + hầm.

Mảnh đất này theo mô tả nằm trong khu vực kinh doanh sầm uất nhất khu vực.

Khu đất 280m2 hiện đang được rao bán với mức giá 448 tỷ đồng. Ảnh chụp màn hình

Khu đất 280m2 hiện đang được rao bán với mức giá 448 tỷ đồng. Ảnh chụp màn hình


Trước đó, một mảnh đất có diện tích 1.400m2 tại phố Hàng Trống cũng được rao bán với mức giá 780 tỷ đồng (xấp xỉ 557 triệu đồng/m2).

Giá nhà, đất tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được xem là khá đắt đỏ, đặc biệt ở khu vực phố cổ, các tuyến phố quanh Hồ Gươm.

Một khu đất khác có diện tích 1.400m2 trước đó cũng được rao bán với giá 780 tỷ đồng. Ảnh chụp màn hình

Một khu đất khác có diện tích 1.400m2 trước đó cũng được rao bán với giá 780 tỷ đồng. Ảnh chụp màn hình
Ngoài ra, dọc các tuyến phố lớn của trung tâm quận Hoàn Kiếm như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng… mức giá nhà, đất cũng không hề rẻ.

Cách đây không lâu, một căn nhà cũ 2 tầng trên phố Hàng Da, phường Hàng Bông, có diện tích 365m2, mặt tiền 20m, được rao bán với mức giá 250 tỷ đồng (tương đương 685 triệu đồng/m2).

Theo thông tin rao bán, căn nhà này có vị trí đắc địa, vỉa hè rộng, giao thương kinh doanh sầm uất, phù hợp xây tòa nhà văn phòng hoặc khách sạn.

Theo chị Huyền – một môi giới nhà đất có nhiều năm kinh nghiệm tại quận Hoàn Kiếm, giỏ hàng của chị hiện có gần 10 BĐS nhà đất tại khu vực này, với mức giá từ gần 100 tỷ đồng đến hơn 200 tỷ đồng.

Theo quan sát, từ năm 2020 đến nay, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình kinh doanh ế ẩm và khó khăn khiến lượng tin đăng cho thuê và bán nhà trên phố cổ trên các trang rao vặt ngày càng nhiều. Tuy nhiên, vì đây là BĐS có giá trị lớn nên lượng giao dịch không nhiều.

Chênh lệch lớn với Bảng giá đất Hà Nội

Các chuyên gia cho rằng khu vực phố cổ Hà Nội được mệnh danh là nơi “tấc đất tấc vàng”, hội tụ các tiềm năng về du lịch và vị thế đắc địa cho kinh doanh; đây cũng là lý do vì sao BĐS khu vực này luôn dẫn đầu về sự đắt đỏ.

Mặc dù mức giá giao dịch trên thị trường ở mức cao, nhưng Bảng giá đất Hà Nội 2020-2024 do Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội công bố lại có sự chênh lệch lớn.

Theo đó, giá đất cao nhất của TP thuộc về quận Hoàn Kiếm với mức giá 187 triệu đồng/m2; mức giá này áp dụng cho vị trí 1 gồm các tuyến đường: Lê Thái Tổ, Hàng Ngang và Hàng Đào.



Cuối năm 2010, để có thể giải tỏa khu đất vàng số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) cho dự án xây dựng trung tâm thương mại, chủ đầu tư phải chấp nhận đền bù với mức giá 900 triệu đồng/m2, do mức 500 triệu đồng/m2 ban đầu không được người dân chấp nhận.

Thậm chí, việc giải tỏa khu đất này kéo dài do một số chủ hộ đòi mức giá bồi thường 1 tỷ đồng/m2.

Nhiều mặt bằng kinh doanh bị bỏ trống

Đầu năm 2024, trong bối cảnh kinh tế đang dần khởi sắc, nhiều cửa hàng kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm vẫn trả lại mặt bằng do không chịu nổi chi phí.

Thậm chí, nhiều nhãn hàng, thương hiệu đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng thuê mặt bằng và sửa sang nội thất, nhưng vẫn phải thoái lui sau một thời gian ngắn.

Nhiều cửa hàng tại quận Hoàn Kiếm treo biển cho thuê. Ảnh: Internet

Nhiều cửa hàng tại quận Hoàn Kiếm treo biển cho thuê. Ảnh: Internet

Do không chịu nổi tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, tình trạng sang nhượng để lấy lại tiền đặt cọc theo hợp đồng trở nên phổ biến.

Một môi giới BĐS lâu năm cho rằng những mặt bằng nằm ở vị trí trung tâm Hà Nội hiện rất kén khách thuê do giá thuê cao.

Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh chưa ổn định nên nhiều nhà đầu tư không dám mạo hiểm.

Môi giới BĐS này cũng cho rằng đây là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, chọn những mặt bằng “đắc địa” để mở showroom hoặc gian hàng trưng bày sản phẩm.
Nhiều cửa hàng trên phố cổ Hà Nội đã chuyển địa điểm kinh doanh do không

Nhiều cửa hàng trên phố cổ Hà Nội đã chuyển địa điểm kinh doanh do không “gánh” nổi chi phí. Ảnh minh họa

Đánh giá về thực trạng này, TS. Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế, cho rằng cần có sự dung hòa giữa bên cho thuê và bên thuê, để tạo ra sự phù hợp giữa cung – cầu.

Khi những mặt bằng nhà phố đóng cửa, nguồn thu của người cho thuê sẽ giảm; nhiều khách thuê sẽ chuyển hoạt động từ nhà mặt phố vào trong ngõ hoặc sang các khu vực có giá cả hợp lý hơn.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, phân khúc nhà trong ngõ tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2024.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư và người mua cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như tiện ích xung quanh, lối thoát hiểm, an toàn phòng cháy chữa cháy, nơi để xe, chất lượng công trình và sổ đỏ… trước khi quyết định mua để phù hợp với nhu cầu cuộc sống.

Ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhận định, khi kinh tế phục hồi, các nhãn hàng nước ngoài quay lại Việt Nam sẽ khiến thị trường mặt bằng nhà phố có sự biến động trong năm 2024.

Ông Tuấn cũng khuyến nghị rằng để tránh tình trạng “ngán ngẩm” giữa chủ cho thuê và người thuê, cả hai bên cần chủ động phương án ứng phó, thương lượng và có biện pháp thích nghi với bối cảnh mới.