Hiện nay, nhiều cây cầu vượt đi bộ trên địa bàn thành phố bị ngó lơ, người dân vẫn băng qua đường bất chấp nguy hiểm.
Cây cầu vượt bộ hành trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) vắng vẻ, thưa thớt. Ảnh: Nhật Minh
Tại những khu vực gần bến xe buýt, trường học, bệnh viện… trên địa bàn Hà Nội đã được lắp đặt hệ thống cầu vượt đi bộ giúp người dân qua đường an toàn, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo Lao Động ngày 21.9, nhiều cây cầu đang bị ngó lơ, chưa phát huy được hiệu quả.
Người dân liều mình băng qua đường để tiết kiệm thời gian. Ảnh: Nhật Minh
Cây cầu vượt bộ hành trên đường Tố Hữu vắng vẻ, dù được lắp đặt gần bến xe buýt BRT. Ảnh: Nhật MinhDọc tuyến xe buýt BRT được lắp đặt nhiều cầu vượt đi bộ để kết nối với hạ tầng giao thông công cộng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, nhiều người dân sau khi ra khỏi nhà chờ xe buýt lập tức trèo qua hàng rào, băng qua đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Tương tự, các cây cầu vượt bộ hành trên đường Xuân Thủy, Nguyễn Chí Thanh… cũng rơi vào tình trạng vắng vẻ, thưa người dù được lắp đặt hệ thống mái che, cầu thang đầy đủ để phục vụ người dân.
Khu vực cuối đường Xuân Thuỷ đã được lắp đặt cây cầu vượt đi bộ, nơi đây gần các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia, nhưng, nhiều bạn trẻ vẫn ngang nhiên băng qua đường để tiết kiệm thời gian.
Là một người dân thường xuyên sử dụng xe buýt BRT, chị Trần Thị Hảo (35 tuổi, quận Thanh Xuân) cho biết, chị từng nhiều lần bắt gặp người dân băng qua đường giữa những hàng xe đông đúc, di chuyển với tốc độ cao.
“Nhiều người ngó lơ hệ thống cầu vượt đi bộ trên phố Láng Hạ do phải di chuyển xa hơn so với đi bộ trực tiếp qua đường. Dòng xe tại đây luôn qua lại với tốc độ cao, nếu băng qua đường có thể gặp nguy hiểm” – chị Hảo nói.
Thay vì sử dụng cầu vượt bộ hành, anh Nguyễn Văn Luân (tên nhân vật đã được thay đổi) thường xuyên băng qua đường để tiết kiệm thời gian, bất chấp rủi ro: “Tôi thường đợi những lúc vắng xe qua lại để đi nhanh qua đường, thay vì phải di chuyển vài trăm mét tới cầu vượt rồi lại mất thời gian cho 2 lần lên xuống cầu thang”.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 70 cầu vượt bộ hành ở các nút, các tuyến giao thông có mật độ lưu thông lớn và tại các khu vực gần bệnh viện, trường học.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông vừa báo cáo Sở GTVT Hà Nội đề xuất UBND TP Hà Nội đầu tư xây dựng 29 cầu vượt dành cho người đi bộ tại các khu vực đông dân cư và trường học trên địa bàn thành phố, với số vốn đầu tư khoảng 300 tỉ đồng.
Việc xây dựng cầu vượt đi bộ mới sẽ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân cũng như bảo đảm an toàn cho người đi bộ tại các vị trí giao thông phức tạp. Thế nhưng, nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng các vị trí cầu, và xử lý nghiêm các trường hợp người đi bộ băng ngang đường không đúng nơi quy định thì những cây cầu này sẽ khó phát huy hiệu quả.