×

Ngay tháng sau, siêu dự án 70 tỷ USD đi qua 20 tỉnh thành ở Việt Nam sẽ có bước tiến quan trọng?

Dự án hạ tầng giao thông trọng điểm này của Việt Nam hứa hẹn sẽ được xem xét chủ trương đầu tư trong tháng sau.

Đề nghị trình Quốc hội chủ trương đầu tư trong tháng 10
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường mới đây đã đề nghị bổ sung 4 nội dung vào chương trình kỳ họp 8 dự kiến khai mạc vào tháng 10 tới, trong đó có chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Qua đó, đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu với chất lượng tốt, bảo đảm tiến độ để gửi đến đại biểu Quốc hội.

Dự kiến kỳ họp 8 tiến hành theo 2 đợt, có thời gian nghỉ giữa 2 đợt để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Như vậy, kỳ họp 8, khai mạc vào ngày 21/10 và bế mạc vào sáng ngày 30/11.

Liên quan đến dự án hạ tầng giao thông trọng điểm này của Việt Nam, lãnh đạo Cục Đường sắt cho biết trải qua quá trình nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng với sự góp ý, hỗ trợ của các tổ chức, bộ, ngành trong và ngoài nước, hiện Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thiện đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Ngay tháng sau, siêu dự án 70 tỷ USD đi qua 20 tỉnh thành ở Việt Nam sẽ có bước tiến quan trọng? - Ảnh 1.

“Đến thời điểm này, phía tư vấn đang gấp rút hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong tháng 9 sẽ trình Bộ Chính trị để xem xét, cho ý kiến và phấn đấu trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10 sắp tới để sang năm 2025, chúng ta có thể sắp xếp vốn trung hạn”, vị này cho hay trên báo Tiền Phong.

Trước đó, cuối tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thảo luận Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất về chủ trương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Sắp xếp vốn thế nào cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam?
Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư với cấu trúc đường đôi, khổ 1.435mm, sử dụng điện khí hóa, và hạ tầng được thiết kế cho tốc độ tối đa lên đến 350km/h.

Tuyến đường sẽ khởi hành từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), băng qua 20 tỉnh, thành phố, và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM). Toàn tuyến sẽ có 23 ga phục vụ hành khách, với khoảng cách trung bình giữa các ga là 67km, cùng với 5 ga hàng hóa được đặt tại các khu vực giao thương chính.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công hai đoạn Hà Nội – Vinh và TPHCM – Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào cuối năm 2027. Đoạn Vinh – Nha Trang, dài khoảng 899km, dự kiến sẽ được khởi công trước năm 2030, và mục tiêu hoàn thiện toàn bộ tuyến đường vào năm 2035.

Trao đổi với Dân Việt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết: “Với dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 65 – 70 tỷ USD, việc bố trí vốn dự kiến thực hiện trong khoảng 12 năm. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đánh giá về nguồn vốn đầu tư”.

Dự án này, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm vào tăng trưởng GDP trong quá trình xây dựng. Các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD.

Ngay tháng sau, siêu dự án 70 tỷ USD đi qua 20 tỉnh thành ở Việt Nam sẽ có bước tiến quan trọng? - Ảnh 2.

Thực tế từ nhiều quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc phát triển cho thấy: Nhật Bản đã quyết định đầu tư tuyến đường sắt đầu tiên vào năm 1950 khi GDP bình quân đầu người đạt khoảng 250 USD. Trung Quốc bắt đầu vào năm 2005 khi con số này đạt 1.753 USD, và Indonesia triển khai dự án vào năm 2015 khi GDP đầu người đạt khoảng 3.322 USD. Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia sở hữu hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, với 5 tuyến có vận tốc 350km/h.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thời điểm này được xem là lý tưởng để triển khai dự án đường sắt cao tốc, khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đã đạt khoảng 4.282 USD và ước tính sẽ đạt 7.500 USD vào năm 2030.

“Theo đánh giá Bộ GTVT và Bộ Tài chính, nếu sử dụng nguồn vốn đầu tư công để đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, chúng ta sẽ không vượt quá trần nợ công. Khi xây dựng tuyến đường này, nợ công của Việt Nam có thể tăng từ 38% lên xấp xỉ 50%, nhưng vẫn đảm bảo trong khả năng cho phép. Trong quá trình triển khai, nếu chúng ta có thể vay được các tổ chức tài chính quốc tế hoặc các quốc gia khác với vốn ưu đãi có thể sẽ xem xét bổ sung”, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam chia sẻ với Tiền Phong.

Related Posts

Our Privacy policy

https://nendoctin.com - © 2024 News