Cũng thói sĩ diện, anh chồng vô tình đẩy vợ con vào tình thế khó khăn. Đồng ý báo hiếu cho bố mẹ là việc nên làm nhưng không biết cân nhắc kỹ lưỡng như anh chồng sau đây thì người vợ không ấm ức cũng lạ.
Ảnh minh họa, Vietnamnet, k.sina.cn
Muôn đời nay, người Việt thường nhắc nhở nhau phải hiếu kính với ông bà, bố mẹ vì công sinh thành dưỡng dục. Mai này dù có dựng vợ gả chồng, đi đâu làm ăn thì con cái cũng phải báo hiếu với cha mẹ bằng cách này hay cách khác. Có như vậy mới tròn đạo làm con.
Có người dùng mạng tâm sự chuyện báo hiếu của gia đình chồng và cho biết bản thân đến nay vẫn còn ấm ức không nguôi. Câu chuyện xuất phát từ tấm lòng thuận thảo của con cái muốn đền ơn cho cha mẹ nhưng vì cái thói sĩ diện mà tự đẩy mình vào khó khăn, còn liên lụy đến cả vợ con. Nguyên văn như sau:
“Chuyện xảy ra cũng không phải mới đây nhưng nỗi ấm ức vẫn thường trực trong lòng tôi. Nay đọc báo thấy một số độc giả chia sẻ về thói sĩ diện hão của người Việt, tôi càng bức xúc.
Không nói đâu xa, chồng và gia đình chồng tôi là những người có tính như vậy.
Vợ chồng tôi làm ăn trên thành phố. Mức thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 25 triệu đồng/tháng. Chúng tôi sinh 2 con cùng lúc vì vậy chi phí sinh hoạt hàng tháng không quá dư giả.
Năm năm sau khi kết hôn, chúng tôi vẫn phải đi thuê trọ. Khoản tiền 500 triệu đồng hai vợ chồng có được từ trước, chúng tôi dự định sau này vay mượn thêm để mua chung cư, lấy chỗ chui ra chui vào ở thành phố. Ấy vậy mà giấc mơ có chốn đi về nho nhỏ của tôi đã tan thành mây khói.”
“Chuyện là gia đình chồng tôi có 3 con trai và một con gái. Bố mẹ chồng tôi ở quê làm ruộng nên cũng chẳng giàu có gì.
Nhưng thói đời là vậy, không giàu có, dư giả lại thích sĩ diện. Căn nhà ông bà đang ở nay cũng lụp xụp. Bản thân tôi là phận làm con, tôi cũng thấy hợp lý khi các con đứng ra chung tay sửa sang chỗ ở cho bố mẹ. Tuy nhiên, thay vì sửa sang, chồng tôi và 2 em trai lại bàn sẽ xây mới hoàn toàn.
Ông bà không có lương hưu, không có tiền tích lũy, cô út thì theo chồng, đương nhiên 3 con trai phải đứng ra lo tất cả.
Không chỉ vậy, các anh em chồng tôi còn bàn rằng, đã mất công xây phải xây cái nhà cho tử tế. Họ còn nói, nhà chồng tôi bao năm chưa có gì để mở mặt với xóm làng. Vì vậy, đây là cơ hội các con báo hiếu cha mẹ, cho cha mẹ được rạng rỡ với xung quanh.
Nhìn đi nhìn lại, nhà bố mẹ chồng tôi bé và cũ nhất làng, xung quanh các gia đình đều nhà tầng rất khang trang. Nhưng nhà người ta có con đi xuất khẩu lao động, ăn nên làm ra mới có của để xây nhà to. Trong khi đó, 3 anh em nhà chồng tôi, kinh tế đều eo hẹp vẫn mạnh miệng đòi làm.
Khi tôi ngăn cản, chồng tôi nói vợ là ích kỷ, “đàn bà nghĩ ngắn”, không biết vun vén cho nhà chồng. Anh phân tích, anh là con cả, cái nhà đấy rồi cũng thuộc về anh. Sau này, hai vợ chồng về hưu, chuyển về quê sống trong căn nhà đó, chứ ông bà mất có mang theo được đâu.
Tôi không mơ mộng gì tài sản nhà chồng nhưng kinh tế hiện tại không cho phép, chồng tôi hất tay: “Việc đó để anh em tôi lo, không mượn mẹ mày nhúng tay vào”.”
Chi phí xây nhà lên đến 2,4 tỷ, nội thất mua thêm mất mấy trăm triệu là tổng cộng gần 3 tỷ đồng. Anh chồng và các anh em còn lại đi vay mượn khắp nơi đắp vào. Ngôi nhà xây xong khang trang nhất xóm, nhưng thực tế thì ông bà cụ chỉ ở mỗi tầng 1, tầng 2 và 3 hiếm khi lên. Trong khi đó vợ chồng chị ở thành phố vẫn phải bám trụ với căn nhà trọ mà giấc mơ đổi sang chung cư không hết bao giờ mới thực hiện được. Tuy nhiên khi than phiền với chồng về vấn đề này, anh đùng đùng nổi giận khiến chị vợ vô cùng mệt mỏi.
Đấy, báo hiếu cho cha mẹ là việc con cái phải nên làm, dù nghèo hay giàu, chỉ cần biết nghĩ cho cha mẹ đã là đáng quý. Anh chồng và các anh em trong nhà biết xót cha mẹ khi họ phải ở ngôi nhà tuềnh toàng, muốn xây dựng nhà mới khang trang hơn là việc rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng thay vì tùy theo sức của mình, các anh em lại vay mượn tứ phía, xây nhà thật hoành tráng để nở mày nở mặt với bà con lối xóm. Thay vì cố gắng làm thật to để mắc nợ thì sao không nhìn vào thực tế xem ông bà cần diện tích sinh hoạt thực tế là bao nhiêu, xây dựng ngôi nhà xinh xắn vừa vặn không quá to đến mức thừa thải chắc hẳn ông bà sẽ thích hơn. Và việc dọn dẹp cũng không quá vất vả nhưng hiện tại.
Giờ thì có thể hãnh diện được rồi, nhưng người khổ lại chính là vợ con của các anh, mà điển hình là chị vợ trong bài viết trên.
Câu chuyện báo hiếu luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm. Có nhiều người giống như anh chồng trên đây, phải làm sao thật hoành tráng để nở mày nở mặt với bà con. Nhưng thiết nghĩ báo hiếu là xuất phát từ tâm, không phải cuộc chạy đua tranh giành xem ai hơn ai mà cốt yếu làm sao cho ông bà cha mẹ vui mà bản thân cũng thấy thoải mái là được. Báo hiếu cũng chẳng phải chờ đến lễ, Tết mà ngày nào cũng nên là ngày báo hiếu và việc đó xuất phát từ những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày.