Hầm xuyên núi Hải Vân được thi công xuyên lòng đất trong vòng 5 năm, trở thành công trình hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á, minh chứng cho bản lĩnh của người thợ Việt Nam.

Minh chứng cho bản lĩnh của công nhân, kỹ sư Việt Nam

Câu ca “Đi bộ thì khiếp Hải Vân. Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi” đã từng trở thành giai thoại và nỗi ám ảnh đối với bất kỳ ai từng đi trên tuyến quốc lộ 1A khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, từ ngày 5/6/2005, câu ca này chỉ còn là “quá khứ” khi sau 1.600 ngày đêm “nằm sương đội gió”, lực lượng thi công đã hoàn thành và đưa vào hoạt động hầm đường bộ Hải Vân, rút ngắn thời gian “vượt đèo” chỉ còn 10-15 phút.

Ngày 20/8/2000, Thủ tướng Chính Phủ (thời điểm đó là Thủ tướng Phan Văn Khải) đã nhấn nút phát lệnh khởi công hầm đường bộ qua đèo Hải Vân.

Hầm Hải Vân là công trình minh chứng cho bản lĩnh của các công nhân, kỹ sư Việt Nam. Ảnh: Internet

Hầm Hải Vân là công trình minh chứng cho bản lĩnh của các công nhân, kỹ sư Việt Nam. Ảnh: Internet

Đến tháng 4/2001, các nhà thầu chính thức bắt đầu thi công với điểm khoan đầu tiên tại Hói Thương (phía Bắc), do liên danh nhà thầu HAZAMA (Nhật Bản) và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 (Việt Nam) thực hiện.

Tại phía Nam, Công ty Xây dựng DONG Ah (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà (Việt Nam) cùng tham gia thi công.
Hầm Hải Vân chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động vào ngày 5/6/2005. Ảnh: Báo Lao Động

Hầm Hải Vân chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động vào ngày 5/6/2005. Ảnh: Báo Lao Động

Trong quá trình thi công, công trình đã gặp phải sự cố đầu tiên sau 5 tháng, khi một tảng đá nặng hơn 20 tấn cùng 600m3 đất đá rơi xuống lòng hầm tại phía Nam, gây lún sụt và tạo ra lỗ hổng trên nóc hầm. Tuy nhiên, may mắn không có thiệt hại về người.

Sau sự cố này, công ty Kend Tunneling từ Hồng Kông (Trung Quốc) được thuê để khắc phục với giá 1 triệu USD, nhưng họ đã thất bại. Sau đó, Tổng Công ty Sông Đà vào cuộc và khắc phục thành công sự cố chỉ với 300.000 USD và 12 tỷ đồng tiền vật liệu, tiết kiệm hơn 1/3 chi phí dự kiến.

Trong quá trình thi công phía Bắc, vào tháng 3/2002, một sự cố mạch nước ngầm tại hầm thông gió xảy ra. Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 đã khắc phục bằng cách bơm vữa hóa chất vào “hang ổ” của mạch nước ngầm để gia cố hầm, giúp tiếp tục quá trình thi công.

Dự án hầm Hải Vân là nơi các kỹ sư Việt Nam lần đầu tiên tiếp cận và áp dụng công nghệ thi công NATM (New Austrian Tunneling Method) – công nghệ đào hầm hiện đại từ Áo. Công nghệ này sử dụng phương pháp khoan nổ kết hợp với bê tông phun và neo, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả thi công.

Sau hơn 36 tháng thi công, vào ngày 30/10/2003, hầm đường bộ Hải Vân được thông hầm với độ chính xác cao, chỉ lệch 2,5 cm, thấp hơn nhiều so với chỉ số sai số cho phép là 10cm.

Hầm Hải Vân chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động vào ngày 5/6/2005, sau hơn 1.600 ngày đêm nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng thi công, rút ngắn khoảng cách “vượt đèo” chỉ còn 10-15 phút.

Sáng ngày 11/1/2021, tại cửa hầm phía Nam thuộc địa phận TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và chính quyền địa phương đã cắt băng khánh thành hầm Hải Vân 2, một phần của dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả trên quốc lộ 1A.

Hầm Hải Vân 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng là tuyến hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, được xây dựng trên nền hầm lánh nạn của Hải Vân 1 trước đây

Hầm Hải Vân 2 có chiều dài 6,2km, tổng chiều dài tuyến là 12,4km bao gồm cả đường dẫn. Công trình được xây dựng song song với hầm Hải Vân 1, có thiết kế hai làn xe nhưng không có giải phân cách.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết đây là “công trình khó khăn bậc nhất” trong các dự án mà đơn vị đã tham gia, bao gồm các hầm Đèo Cổ Mã, Đèo Cả và Đèo Cù Mông, bởi các thách thức kỹ thuật và giải pháp công nghệ.

Trong quá trình xây dựng, nhà thầu phải đối mặt với nhiều khâu kỹ thuật phức tạp, đồng thời đảm bảo an toàn cho cả công trình và giao thông qua hầm Hải Vân 1.

Hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á

Hầm đường bộ Hải Vân có tổng mức đầu tư hơn 127 triệu USD (khoảng 3.000 tỷ đồng), được xây dựng để khắc phục những khó khăn khi di chuyển qua đèo Hải Vân trên Quốc lộ 1A – con đường huyết mạch nối Bắc – Nam.

Toàn tuyến công trình dài 12,047km với hầm chính dài 6.280m, rộng 10m, cao 7,5m và có 2 làn xe. Hầm cứu nạn chạy song song với hầm chính, dài tương tự, rộng 4,7m và được kết nối với nhau bằng các hầm ngang để thoát hiểm khi cần thiết.
Hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á. Ảnh: Internet

Hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á. Ảnh: Internet

Trước khi hầm Hải Vân được xây dựng, các phương tiện giao thông phải vượt qua đèo Hải Vân – một tuyến đường dài 21km với những đặc điểm nguy hiểm như đường hẹp, dốc cao, quanh co và sương mù dày đặc.

Sau khi hầm đi vào hoạt động, thời gian di chuyển qua đèo được rút ngắn chỉ còn 1/4 so với trước đây, giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn, đồng thời tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện.
Hầm Hải Vân giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển qua đèo Hải Vân. Ảnh: Internet

Hầm Hải Vân giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển qua đèo Hải Vân. Ảnh: Internet

Hầm Hải Vân không chỉ cải thiện điều kiện giao thông mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội của TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế. Công trình kỳ vĩ này còn giúp hoàn thiện hạ tầng giao thông của hành lang kinh tế Đông – Tây, thúc đẩy giao thương giữa miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Đèo Hải Vân – “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Đèo Hải Vân là ranh giới tự nhiên giữa TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế, nổi tiếng với danh xưng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Dưới thời vua Minh Mạng, vào năm 1826, cụm công trình Hải Vân Quan được xây dựng trên đỉnh đèo như một pháo đài quân sự quan trọng, giúp kiểm soát cửa ngõ của Kinh đô Huế.Từ năm 1886, thực dân Pháp đã tiến hành mở rộng con đường chiến lược qua đèo Hải Vân và từ năm 1902-1906, tuyến đường sắt qua đèo được xây dựng, tạo nên một trong những cung đường sắt đẹp và hiểm trở bậc nhất Đông Dương, tuyến đường này hiện vẫn còn tồn tại đến ngày nay.